Cửu vạn ga Vinh

Họ là những người tứ xứ đến ga Vinh (Nghệ An), tài sản họ mang theo chỉ là chiếc xe đẩy - phương tiện cho cuộc sống mưu sinh đầy vất vả, nhọc nhằn.

20 giờ, khung cảnh ga Vinh ồn ào, náo nhiệt bởi dòng người tấp nập vào ra trên những chuyến tàu ngược xuôi Bắc - Nam. Giữa dòng người vội vã qua lại, những cửu vạn ga Vinh lầm lũi với những xe đẩy chất đầy hàng chuyển ra các toa tàu.

Nhọc nhằn nơi sân ga

Tại ga Vinh, nhắc đến ông Nguyễn Văn Nam (biệt danh "Nam trọc") thì những người hành nghề cửu vạn đã quá đỗi thân thuộc. Với 30 năm hành nghề cửu vạn, “Nam trọc” là người lớn tuổi nhất, có thâm niên nhất trong nghề.

Vốn quê lúa Yên Thành, thời trai trẻ “Nam trọc” chân ướt chân ráo vào TP Vinh lao động kiếm sống. Bươn chải qua các nghề phụ hồ, chạy xe ôm, bốc vác cuối cùng cơ duyên nghề cửu vạn gắn bó với “Nam trọc” từ tuổi 20 đến giờ.

Vừa bốc hàng phục vụ khách với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, “Nam trọc” chia sẻ: “Nghề gì cũng có nỗi nhọc nhằn, vất vả riêng. Với nghề cửu vạn thì nhọc lắm thành quen”. “Lão làng” cửu vạn sân ga cho biết, hằng ngày ông có mặt tại ga Vinh từ lúc 5 giờ chiều để bắt đầu công cuộc mưu sinh.

Thâu đêm suốt sáng, “Nam trọc” chỉ mong hành khách đến và đi mang theo nhiều hàng hóa, có vậy ông mới có việc làm. Mấy thùng hàng khoảng 30-40 kg, vận chuyển từ ngoài đường vào sân ga rồi cho lên toa tàu, ông kiếm được từ 30-50 ngàn đồng.

Cửu vạn ga Vinh bốc hàng lên toa tàu cho hành khách

Cửu vạn ga Vinh bốc hàng lên toa tàu cho hành khách

Trong tốp người hành nghề cửu vạn ở ga Vinh, có lẽ trẻ nhất là Nguyễn Ngọc Huy (SN 2000, quê ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc). Tuổi thơ khó khổ, gia cảnh éo le khi bố sức khỏe kém, mẹ lại mù lòa nên học hết lớp 9, Huy đành phải nghỉ học. Được một người anh họ làm nghề lái tàu đã cưu mang, giới thiệu Huy vào làm cửu vạn ga Vinh.

Tuổi 24 nhưng Huy đã có gần 10 năm gắn bó với nghề cửu vạn. Khuôn mặt sạm đen vì sớm vất vả mưu sinh, Huy trông trải đời hơn so với tuổi. Sau mỗi đêm, Huy lại chạy xe máy hơn 20 cây số về nhà đưa tiền cho bố mẹ đong gạo, nuôi em nhỏ ăn học.

10 năm trong nghề, Huy không có cái Tết trọn vẹn ở nhà, bởi những chuyến tàu ngược xuôi, đời cửu vạn luôn phải bám sân ga. Khi nói đời cửu vạn nhọc nhằn, đến khi nào Huy lo chuyện lấy vợ? Chàng thanh niên ấy chỉ ao ước: “Với em, mong mỏi lớn nhất là có sức khỏe để kiếm được đồng tiền lo cho gia đình, còn hạnh phúc riêng với thu nhập bấp bênh hiện giờ, chờ ai thương và thấu hiểu được hoàn cảnh, chấp nhận mình thì khi đó mới tính”.

Sau tiếng còi tàu

Cực nhọc rồi cũng quen, đời cửu vạn đã cho ông Nguyễn Văn Nam thật nhiều trải nghiệm về thân phận cần lao. Không phải ai cũng nhìn những người cửu vạn bằng ánh mắt thiện cảm, không phải ai cũng hiểu được cuộc sống và nỗi buồn sâu thẳm của họ.

Với những cửu vạn ở ga Vinh, bận rộn nhất là những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bởi đây là dịp hành khách đi tàu nhiều và hàng hóa mang theo cũng nhiều. Mỗi ngày họ tất tả căng sức cho những chuyến xe hàng để kiếm thêm thu nhập.

“Công việc luôn chân luôn tay để hàng hóa của hành khách kịp lên tàu, kịp giờ tàu chuyển bánh nhưng đổi lại, tôi và anh em đồng nghiệp có thu nhập gấp 4-5 lần ngày thường. May mắn còn được hành khách lì xì thêm ít chục”, anh Hoàng Văn Giao bày tỏ.

Cửu vạn nhọc nhằn mưu sinh giữa dòng người ngược xuôi nơi sân ga

Cửu vạn nhọc nhằn mưu sinh giữa dòng người ngược xuôi nơi sân ga

Cách đó không xa, Lê Thành Vinh (SN 1980), nhà ở phường Bến Thủy (TP Vinh) cũng lăn lộn kiếm sống ở ga Vinh bằng nghề cửu vạn. 23 giờ đêm, khi những chuyến tàu chở khách đã vãn, anh Vinh mới có thời gian chia sẻ về nghề.

Nhìn về sân ga khuya vắng lặng, anh Vinh cho hay, đêm nay khách thưa thớt, hàng hóa ít nên từ chiều tới giờ anh mới có một cuốc đẩy hàng “chạy tàu”. Mỗi ngày và đêm lao động cực nhọc, anh Vinh kiếm được từ 200 đến 300 ngàn đồng. Nhà cách ga không xa, Vinh tranh thủ trở về sau mỗi chuyến tàu đêm nghỉ ngơi rồi lại quay ra làm việc.

Câu chuyện ngắt quãng vì chuông điện thoại reo vang, tiếng đứa con gái út 6 tuổi hỏi dồn: “Bố đi làm sao giờ này còn chưa về với con, con nhớ bố lắm! Bố về với con đi!”. Đáp lại, Huy an ủi con gái bé bỏng: “Con ở nhà ngoan, mai về bố mua bánh Crep cho con nhé!”.

“Công việc cửu vạn nơi sân ga ngày càng khó khi hành lý hành khách mang theo không có nhiều. Bao lần vợ thấy mình thu nhập thấp muốn mình chuyển nghề nhưng ngoài cửu vạn, mình biết làm gì đây khi tay nghề không, bằng cấp không. Bỏ nghề, mình lại nhớ những tiếng còi tàu, nhớ đường ray lắm”, Vinh suy tư.

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Bao năm bám trụ sân ga, đẩy biết bao chuyến hàng cho hành khách lên tàu, kỷ niệm khó quên nhất với anh Hoàng Văn Giao là một ngày cận Tết Nguyên đán 2020. Khi ấy, anh tình cờ nhặt được chiếc ví dày cộm trên hàng ghế chờ. Lúc mở ra, anh thấy một xấp tiền và nhiều giấy tờ tùy thân của một hành khách có địa chỉ ở Hà Nội.

Không tham của rơi, anh Giao liền liên hệ với quản lý ga Vinh tìm hành khách trả lại chiếc ví. Hơn 10 ngày sau, trong lúc hối hả bốc hàng lên tàu, anh Giao nhận được cuộc gọi từ một số lạ.

Khi nghe máy, anh Giao mới biết đó là của hành khách đánh rơi chiếc ví mà anh Giao nhặt được hôm nào. Giọng nữ ở đầu dây bên kia rối rít cảm ơn vì nhờ anh mà đã nhận lại được chiếc ví đã đánh mất. Nữ hành khách tâm sự, nếu không tìm lại được chiếc ví, số tiền bên trong không còn thì chẳng biết xoay xở vào đâu để chữa bệnh cho đứa con gái mới lên 3.

Mấy ngày sau, anh Giao nhận được một bưu phẩm từ Hà Nội gửi về là mấy tấm lụa Hà Đông kèm dòng chữ: “Em gửi anh Giao lời biết ơn chân thành kèm món quà nhỏ, nhờ anh nhận lấy may cho chị nhà chiếc áo dài”. Hạnh phúc lâng lâng, tình người nồng ấm tiếp sức cho anh bám trụ ở sân ga.

“Nam trọc” và chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Huy đợi tàu về trong đêm khuya

“Nam trọc” và chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Huy đợi tàu về trong đêm khuya

30 năm trong nghề, ông “Nam trọc” cùng người vợ bán xôi dạo cũng tích góp mua đất, dựng căn nhà tầm 70m2 trong con ngõ nhỏ ở phường Đông Vĩnh, TP Vinh. Nuôi 2 đứa con ăn học, vợ chồng “Nam trọc” còn phụng dưỡng bố mẹ già đã qua tuổi bát tuần.

Có lẽ niềm vui lớn nhất trong cuộc đời của “Nam trọc” là thấy con mình khôn lớn, chăm ngoan. Trong ánh mắt người đàn ông gắn bó tuổi thanh xuân với nghề cửu vạn ánh lên niềm hạnh phúc khi nhắc đến những đứa con: “Trời thương đời tôi cơ cực nên đã cho tôi hai đứa con chăm ngoan, học giỏi. Hiện con trai đang học năm thứ 3, Trường Đại học Thủy lợi.

Vợ chồng tôi cả đời cơ cực nên dù khó khăn đến mấy cũng gắng cho các cháu học cái chữ để nên người”, ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ. Tiếng còi tàu rú vang màn đêm tĩnh mịch, những cửu vạn ga Vinh lại hối hả cho chuyến hàng mưu sinh.

Cảnh Huệ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuu-van-ga-vinh-post1653476.tpo