Đa dạng các hình thức hỗ trợ hộ nghèo

Để thúc đẩy giảm nghèo, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đa dạng các giải pháp hỗ trợ qua đó giúp nhiều hộ có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Đa dạng các hình thức hỗ trợ hộ nghèo.

Đa dạng các hình thức hỗ trợ hộ nghèo.

Định hướng ngành nghề phù hợp cho người lao động

Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, trong đó địa phương luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là định hướng những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, với mục tiêu tư vấn, định hướng cho người lao động tham gia lựa chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp, từ đó có thêm những kiến thức, kỹ năng mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với UBND xã Đức Hồng và xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023 cho hơn 100 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo dưới 36 tháng với các nội dung như tuyên truyền Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Các văn bản, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, những kết quả triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2009 đến nay, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ đối với người lao động tham gia các lớp đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.

Triển khai hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

Song song với đó, địa phương cũng triển khai thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở khang trang, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trao tặng 55 xe đạp cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn các Trường Tiểu học, THCS xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Trao tặng 55 xe đạp cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn các Trường Tiểu học, THCS xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Cụ thể, ngay khi Nghị định số 28 được ban hành, Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tích cực, chủ động, phối hợp với các phòng ban của huyện, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể rà soát đối tượng thụ hưởng, lập danh sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ được tiếp cận vốn vay, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi đến người dân. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở, chuyển đổi nghề, cải tạo đất.

Tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng sau gần 1 năm triển khai Nghị định số 28, Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện giải quyết cho 191 hộ vay 8 tỷ 400 triệu đồng. Trong đó, 146 hộ vay 5 tỷ 820 triệu đồng xây mới, sửa chữa nhà ở; 45 hộ vay 2 tỷ 580 triệu đồng chuyển đổi nghề.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng cho biết: Tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh triển khai cho vay với tổng dư nợ đạt 101 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho 2.031 hộ vay 80,8 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà, 314 hộ vay 20,2 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề. Qua giám sát thực tế, chính sách này tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, giúp các hộ khó khăn sớm ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Như vậy, có thể thấy từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nhiều hộ dân đã thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn đầu tư, giúp nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động cùng địa phương. Đồng thời, các chính sách giảm nghèo đã trở thành những công cụ tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-dang-cac-hinh-thuc-ho-tro-ho-ngheo-post655736.html