Đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực phát triển đường sắt

Trên cơ sở đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực phát triển đường sắt.

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017 của Bộ GTVT vào chiều ngày 24/4

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017 của Bộ GTVT vào chiều ngày 24/4

Tập trung nguồn lực, trí tuệ để xây dựng tốt dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi

Chiều nay (24/4), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017.

Luật Đường sắt năm 2017 được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 16/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động GTVT đường sắt từ công tác quy hoạch đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh, đảm bảo ATGT đường sắt.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, Luật đường sắt năm 2017 đã tạo khung pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt theo hướng phân định rõ giữa quản lý nhà nước với kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế,….

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhìn nhận, sau 5 năm thực hiện, Luật đường sắt 2017 cho thấy còn một số nội dung chưa phù hợp, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; chưa có cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực phù hợp với một chuyên ngành có tính đặc thù cao như đường sắt; còn bất cập trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, đầu tư đường sắt,…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, sau 5 năm thực hiện Luật đường sắt 2017 cho thấy còn một số nội dung chưa phù hợp, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, sau 5 năm thực hiện Luật đường sắt 2017 cho thấy còn một số nội dung chưa phù hợp, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến thị phần vận tải đường sắt ngày càng giảm sút, chính sách ưu đãi phát triển đường sắt gần như không triển khai được; không huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển đường sắt; công nghiệp và nhân lực đường sắt chưa phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, mô hình quản lý, hoạt động, vận hành còn lạc hậu.

Vận tải đường sắt là một phương thức vận tải có nhiều ưu thế như: Vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn, thuận tiên, tin cậy, chi phí hợp lý; ít bị ảnh hưởng của thời tiết; thích hợp với các hành lang giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49 ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đã xác định quan điểm chỉ đạo cần thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của vận tải đường sắt; yêu cầu tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững; tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH đất nước và một những giải pháp quan trọng được đặt ra là cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển GTVT đường sắt.

Ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Từ đó, Luật Đường sắt năm 2017 đã được đưa vào kế hoạch nghiên cứu, rà soát điều chỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Luật, thực hiện khảo sát thực tế về tình hình triển khai thi hành Luật, cũng như tổ chức các hội nghị chuyên đề để lấy ý kiến trực tiếp của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật. Đồng thời gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được 55 ý kiến của các bộ, ngành, địa phương góp ý cho dự thảo Báo cáo Tổng kết Luật Đường sắt. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Tổng kết Luật, làm cơ sở lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành; địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đường sắt, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật.

"Bộ GTVT xác định công tác xây dựng thể chế trong đó có Luật Đường sắt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển KT-XH được Đại hội Đảng thông qua. Đây là một cơ hội lớn cho ngành đường sắt, vì vậy cần tập trung nguồn lực, trí tuệ để triển khai trên quan điểm xây dựng được dự thảo luật tốt, có tính chiến lược, toàn diện, tầm nhìn dài hạn là nền tảng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý, khai thác đường sắt an toàn, hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu

Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, nhiều chủ thể từ các doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước dành sự quan tâm lớn tới Luật Đường sắt 2017 nói riêng, sự phát triển của lĩnh vực đường sắt, ngành GTVT nói chung.

Đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự tại hội nghị, trên cơ sở đánh giá tổng kết Luật Đường sắt 2017, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm, việc sửa đổi Luật Đường sắt 2017 phải phù hợp với Hiến pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển đường sắt. Đặc biệt là bám sát Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật Đường sắt 2017 đảm bảo sự tương thích với các Điều ước quốc tế về đường sắt mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, phải kế thừa những ưu điểm của Luật Đường sắt 2017; bổ sung, thay thế những nội dung không phù hợp; tăng cường phân cấp, phân quyền trong hoạt động đường sắt; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển đường sắt của các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trước các tồn tại, bất cập trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, cần phải đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp, khai thác vận tải đường sắt; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt.

Song hành với đó là phải ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Phương tiện bốc xếp hàng container liên vận quốc tế tại Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Phương tiện bốc xếp hàng container liên vận quốc tế tại Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, có 5 vấn đề cần nghiên cứu bổ sung trong Luật Đường sắt khi sửa đổi. Trước hết là về chính sách phát triển đường sắt. Theo đó, cần bổ sung một số quy định về chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt.

Tiếp đó, về kết cấu hạ tầng đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần có mô hình phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông (TOD); phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt vùng,…

Về công nghiệp, phương tiện giao thông đường sắt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định các chính sách về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm cơ khí đường sắt; xây dựng cơ chế đặt hàng cho một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nội địa hóa, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư phát triển đường sắt.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, TP. Hà Nội

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, TP. Hà Nội

Đối với đường sắt đô thị, cần bổ sung quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; phân quyền cho UBND cấp tỉnh quản lý an toàn đường sắt đô thị, đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đường sắt đô thị.

Cuối cùng, đường sắt tốc độ cao cần bổ sung các quy định cụ thể về công tác đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác,... Đồng thời quy định quy trình phối hợp trong quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng; cơ chế chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính và thu hút, khuyến khích các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này.

Để tiếp tục triển khai thực hiện việc tổng kết, sửa đổi Luật Đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ đạo Vụ Pháp chế, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ GTVT tiếp thu tối đa, giải trình các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, chuyên gia, cũng như các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí để hoàn thiện dự thảo Báo cáo Tổng kết Luật Đường sắt, làm cơ sở cho việc Lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) trình các cấp thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vũ Thành Vũ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/da-dang-hoa-huy-dong-toi-da-nguon-luc-phat-trien-duong-sat-18323042418214391.htm