Đa dạng hóa sản phẩm du lịch - Giải pháp đưa du lịch Sa Pa phát triển

Thời gian qua, những nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng có của địa phương đã và đang mang đến những kết quả ấn tượng cho du lịch Sa Pa.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Theo Đề án “Phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế giai đoạn 2021 - 2025”, nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể đã được UBND Thị xã Sa Pa đưa ra, trong đó nêu bật việc phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, cùng với bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ruộng bậc thang; Di tích khu chạm khắc đá cổ Sa Pa; bảo tồn, quản lý và khai thác di tích Tu viện Tả Phìn; di tích hang động Tả Phìn; bảo tồn và khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian; đồng thời sưu tầm, biên soạn và xây dựng kịch bản tổ chức các lễ hội và nghi lễ truyền thống phục vụ du lịch như: Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở xã Tả Van và dân tộc Tày tại Bản Hồ và Mường Bo; Lễ hội Gầu tào và nghi lễ Nào Sồng của người Mông ở xã Hoàng Liên; lễ hội Cấp Sắc, lễ tết nhảy của người Dao ở xã Tả Phìn và Ngũ Chỉ Sơn,…

Sa Pa đầu tư phát triển nghề truyền thống các dân tộc Sa Pa thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm như: thổ cẩm (Mông, Dao, Xá Phó), rèn đúc (Mông, Dao), chế tác nhạc cụ (Mông, Dao, Tày), mây tre đan (Tàu, Xá Phó), chạm bạc (Dao, Mông)…

Đặc biệt, việc tổ chức The Mong show - vở diễn thực cảnh đầu tiên về người Mông tại Việt Nam theo hình thức vừa đi vừa cảm nhận đã đem lại nhiều cảm xúc bất ngờ cho du khách. The Mong show được kỳ vọng là ‘làn gió mới’ đưa du lịch Sa Pa phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19.

The Mong show được kỳ vọng là “làn gió mới” đưa du lịch Sa Pa phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19.

The Mong show được kỳ vọng là “làn gió mới” đưa du lịch Sa Pa phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19.

Không chỉ vậy, Sa Pa tập trung sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa. Theo đó, Sa Pa tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn ASEAN gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xá Phó, Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy. Nhân rộng mô hình các điểm du lịch cộng đồng đến các điểm: Mường Bo và Sín Chải (Mường Bo), Lếch Dao (Thanh Bình), Nậm Cang (Liên Minh), Séo Mý Tỷ (Tả Van) và dọc thung lũng Mường Hoa.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Bên cạnh những sản phẩm du lịch đã và đang phát triển, Sa Pa khai thác nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt nhằm thu hút du khách như xây dựng sản phẩm “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”, xây dựng sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gồm khôi phục lại chương trình leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, xây dựng tuyến mới chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Bạch Mộc Lương Tử…

Việc phát triển sản phẩm du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm cũng là một trong những giải pháp mới giúp phát triển du lịch tại Sa Pa

Việc phát triển sản phẩm du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm cũng là một trong những giải pháp mới giúp phát triển du lịch tại Sa Pa

Các sản phẩm khác như du lịch “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe” khai thác tri thức dân gian về thảo dược của dân tộc Dao và nguồn dược liệu Sa Pa tại khu vực Tả Phìn và Thanh Bình; sản phẩm du lịch sự kiện quốc tế; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu riêng của Khu du lịch quốc gia Sa Pa như Chợ tình Sa Pa; sản phẩm du lịch trải nghiệm ruộng bậc thang Sa Pa (mùa nước đổ, mùa lúa chín); sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp (xây dựng các chương trình trải nghiệm hoa, vườn cây ăn trái, …

Để Sa Pa trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế, việc tập trung phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến du lịch và quảng bá thương hiệu quốc tế Sa Pa… cũng đã được địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Sa Pa tập trung phát triển nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (VTOS) và ASEAN trong toàn bộ hoạt động đào tạo các kỹ năng nghề trong lĩnh vực du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; ưu tiên đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương…

Sa Pa hướng tới xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông và bãi đỗ xe kết nối du lịch; đầu tư 3 điểm đón tiếp và cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch trên 3 trục đường chính kết nối với Sa Pa tại các vị trí đèo Ô Quý Hồ, Mường Bo, Km32 (QL4D) với kiến trúc đặc trưng, không gian rộng, sinh thái; đầu tư 7 hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của Đô thị du lịch sạch ASEAN; đầu tư 15 nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN tại các xã phường trọng điểm du lịch…

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Những nỗ lực trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng có của địa phương đã và đang mang đến những kết quả ấn tượng cho du lịch Sa Pa. Định hướng rõ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn giúp ngành du lịch có những bước phát triển mới, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Hải_Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/da-dang-hoa-san-pham-du-lich-giai-phap-dua-du-lich-sa-pa-phat-trien-post471612.html