Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ở một hợp tác xã vùng khó

Hợp tác xã (HTX) Phát triển Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy (xã Xy, huyện Hướng Hóa) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2022 với hình thức tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa vào thí điểm các mô hình nông nghiệp để dần nhân rộng, hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa. Qua một thời gian tích cực triển khai vừa làm vừa nghiên cứu, đến nay, các mô hình thí điểm tại xã Xy cơ bản đạt kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới, triển vọng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Mô hình trồng cây dược liệu được HTX Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy đưa vào sản xuất hiện phát triển tốt -Ảnh: M.L

Mô hình trồng cây dược liệu được HTX Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy đưa vào sản xuất hiện phát triển tốt -Ảnh: M.L

Sau thời gian nghiên cứu về con giống cũng như điều kiện khí hậu, môi trường, nguồn thức ăn... mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan được HTX Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy đưa vào nuôi thí điểm với số lượng 20 con. Lợi thế của mô hình này là đầu tư chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều kinh phí. Nguồn thức ăn dễ kiếm, có sẵn tại địa phương như: cỏ voi, tre, sắn, ngô...

Không đòi hỏi công chăm sóc, đặc biệt dúi má đào sinh sản khá nhanh, mỗi con dúi mẹ sinh từ 3-4 con/năm, đầu ra rất thuận lợi với giá bán cao, khoảng 750- 850 nghìn đồng/kg thịt hơi. Sau gần 1 năm HTX nuôi thí điểm cho thấy, dúi má đào Thái Lan rất phù hợp với điều kiện khí hậu tại đây, nguồn thức ăn dồi dào nên phát triển rất tốt, không có dịch bệnh xảy ra, hiện đã phát triển đàn lên hơn 100 con, cân nặng bình quân 5 - 6kg/con trưởng thành. Hiện nay, HTX đã bắt đầu xuất con giống cho các hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở xã Xy đưa vào nuôi thí điểm.

Bên cạnh mô hình nuôi dúi má đào đã thực hiện thí điểm thành công thì hiện nay, HTX tiếp tục đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại quy mô khá lớn chuẩn bị đưa vào thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập. Đây cũng là loại vật nuôi hoàn toàn mới đối với vùng đất này, qua nghiên cứu thấy khá phù hợp điều kiện tại xã Xy. Gà Ai Cập dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là lá cây dược liệu, bình quân mỗi con đẻ trên 280 trứng/năm.

Sản phẩm trứng gà dược liệu, gà thịt dược liệu bán giá cao vượt trội so với gà bản địa. Trên diện tích hơn 1 ha thuê của người dân tại địa phương, HTX đã quy hoạch thành 2 khu vực chính: khu vực chuồng trại và khu vực trồng cây dược liệu bao quanh, dự kiến tháng 7/2024 sẽ thả con giống.

Phó giám đốc HTX Phát triển Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy Bùi Xuân Thủy cho biết: “Kết quả bước đầu của mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan rất khả quan, đến nay hoàn toàn tin tưởng là có thể nhân rộng ở địa bàn. Đối với gà Ai Cập hiện tại cơ sở vật chất đã xây dựng cơ bản, chúng tôi chuẩn bị nhập con giống về trang trại với số lượng khá lớn.

Sau thời gian làm thí điểm, chúng tôi sẽ trở thành đơn vị cung cấp con giống với giá thành ưu đãi, hỗ trợ hoàn toàn kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn xây dựng chuồng trại và các hồ sơ liên quan, cam kết bao tiêu sản phẩm 100% cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mục tiêu chúng tôi hướng tới đó là hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nông nghiệp, làm tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất hiện có và khai thác được lợi thế về điều kiện tự nhiên ở đây.”

Bên cạnh các mô hình chăn nuôi thì các mô hình trồng cây dược liệu cũng được HTX đặc biệt chú trọng đầu tư bởi hiệu quả đa dạng, bền vững và lâu dài. Theo định hướng của HTX, các mô hình cây dược liệu sẽ phục vụ cho việc đa dạng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhất là trà thảo dược và túi chườm thảo dược. Đồng thời sẽ trở thành các mô hình phục vụ du lịch trải nghiệm trong tương lai.

Các loại thảo dược chính đã được đưa vào trồng thí điểm như cây lọc máu, quế, hồi, thương truật, ngải cứu...đến nay phát triển tốt, phù hợp với thời tiết cũng như đất đai, khí hậu ở địa phương. Bước đầu đơn vị đã sản xuất thí điểm và đã cho ra thị trường sản phẩm “Túi chườm nóng thảo mộc và nano bạc” với công dụng chườm ấm, làm khỏe cơ, giảm đau xương, khớp. Sản phẩm có giá 360 nghìn đồng/túi. Với kết quả bước đầu này, thời gian tới HTX định hướng sẽ cung cấp cây giống và hướng dẫn cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đưa vào trồng đại trà, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ông Bùi Xuân Thủy cho biết thêm: “Để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, hiện nay HTX tiếp tục nghiên cứu các điều kiện liên quan để xây dựng mô hình cây ăn quả tại địa bàn xã Xy, lấy cây sầu riêng làm chủ đạo. Sau khi tất cả các mô hình thí điểm cơ bản phát triển, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con ứng dụng để phát triển kinh tế.

HTX sẽ tích cực hỗ trợ về cây con giống, kiến thức khoa học kỹ thuật, các hồ sơ liên quan, bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện để bà con người dân tộc thiểu số cùng tham gia thành viên HTX để thuận lợi trong phát triển sản xuất”.

Với mục đích, ý nghĩa thiết thực, việc triển khai các mô hình nông nghiệp của HTX trên địa bàn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Xy Hồ Văn Hồng cho biết: “HTX Phát triển Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy đóng trên địa bàn xã đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong phát triển KTXH của địa phương, từng bước tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Qua đó, đã tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò, bản chất và giá trị của HTX kiểu mới trong bối cảnh hội nhập, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vậy nên, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển HTX, gia tăng các hoạt động dịch vụ của HTX đối với thành viên để sản xuất hiệu quả, bền vững”.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/da-dang-hoa-san-pham-nong-nghiep-o-mot-hop-tac-xa-vung-kho-186285.htm