Đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo

'Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo' là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQG GNBV). Tại huyện Thanh Ba, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền các xã, thị trấn, chương trình hỗ trợ sinh kế đã từng bước mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

“Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” là dự án 2 thuộc CTMTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ các đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), tổ - nhóm hợp tác, hợp tác xã,... phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo. Theo đó, đối tượng hưởng lợi từ dự án sẽ được hỗ trợ về: Vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất; tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường;...

Xác định “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” là giúp người nghèo biết cách làm ăn, có sinh kế bền vững, việc làm ổn định, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thời gian qua, huyện Thanh Ba đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư hướng dẫn thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tới tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng đủ điền kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ dự án.

Với gần 3,3 tỉ đồng nguồn ngân sách hỗ trợ dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 - 2023, huyện Thanh Ba đã phê duyệt 9 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (cụ thể là hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản) tại 9 xã gồm: Xã Hanh Cù, Mạn Lạn, Hoàng Cương (với tổng kinh phí hỗ trợ là 936 triệu đồng); xã Đại An, Đông Lĩnh, Đông Thành, Ninh Dân, Quảng Yên và Sơn Cương (với tổng kinh phí hỗ trợ 2 tỉ 358 triệu đồng). Đến nay đã có ba xã là Hanh Cù, Mạn Lạn và Sơn Cương hoàn thiện hồ sơ dự án, dự kiến nhận hỗ trợ trong tháng 12 năm 2023. Tổng số đối tượng được hưởng lợi là 224 người/56 hộ (trong đó số người nghèo là 120 người, cận nghèo là104 người).

Đồng chí Nguyễn Đức Dương - Chủ tịch UBND xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba cho biết: “Mạn Lạn hiện có 183 hộ nghèo (chiếm 7,3%), 140 hộ cận nghèo (chiếm 5,6%). Kể từ khi dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được phổ biến rộng rãi, địa phương đã khẩn trương rà soát, tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ điều kiện hỗ trợ, đăng ký theo nhu cầu. Với cách làm Nhà nước hỗ trợ dự án, người dân tự nguyện tham gia và đóng góp một phần kinh phí đối ứng với phần ngân sách Nhà nước đã tạo động lực, khơi dậy ý chí quyết tâm, trách nhiệm của người dân không chông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo mà nỗ lực vươn lên làm ăn thoát nghèo... Qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến dự án giảm nghèo, nhiều hộ nghèo trong xã đã chủ động cải tạo khu vực chăn thả gia súc, chuồng trại để đáp ứng điều kiện hỗ trợ từ dự án. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương”.

Được hỗ trợ bò giống, gia đình bà Nguyễn Thị Đát - khu 2, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba đã vươn lên thoát nghèo.

Được hỗ trợ bò giống, gia đình bà Nguyễn Thị Đát - khu 2, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba đã vươn lên thoát nghèo.

Cùng với hỗ trợ bò giống sinh sản từ dự án 2, huyện Thanh Ba cũng thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, trong đó, ưu tiên các chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất - chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng hàng hóa; tư vấn, giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề - giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng hành với các chương trình giảm nghèo của huyện, các hộ nghèo thiếu phương tiện sản xuất cũng được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi và các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện...

Đồng chí Lê Đức Vinh- Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Thanh Ba cho biết: “Thời gian tới, để dự án 2 được triển khai hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ trình Tổ thẩm định của UBND huyện, phát huy hiệu quả các dự án hỗ trợ gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; thực hiện lồng ghép và xã hội hóa các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án; kịp thời tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thực hiện tốt các mô hình, dự án hỗ trợ giảm nghèo; những gương sáng, điển hình tham gia các mô hình dự án, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trên địa bàn”.

Đồng Niên

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/da-dang-hoa-sinh-ke-giam-ngheo/204284.htm