Đã đến lúc cần cuộc cải cách về thuế (Bài 1)
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới, nếu một hệ thống thuế lạc hậu và rườm rà chẳng khác nào 'mạch máu' bị tắc nghẽn trong nền kinh tế – nó trở thành rào cản cho doanh nghiệp và kìm hãm năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặt khác, để vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh đầy biến động, khó khăn, thách thức, chúng ta phải có một cơ chế thuế không chỉ phục vụ thu ngân sách mà còn phải thực sự coi trọng chức năng thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thu đúng, thu đủ, dễ thu, dễ kiểm tra, dễ giám sát sẽ góp phần đánh giá đúng tiềm lực kinh tế, vị thế của đất nước, tránh được tiêu cực và thất thu ngân sách.
Đã đến lúc, chúng ta cần đánh giá lại các quy định về thuế và có một cuộc cải cách về thuế là điều tất yếu và theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa 15, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, chúng ta có nhiều việc phải làm để thực hiện cuộc cải cách này.
Từ cuộc trao đổi với GS. TS Hoàng Văn Cường, Báo điện tử Chính phủ xin giới thiệu loạt bài viết, cung cấp một góc nhìn về thực trạng hệ thống thuế - bộ khung xương sống cho nền kinh tế cũng như góp ý các giải pháp nhằm cải thiện hệ thống này ngày càng tốt hơn, với thiết kế hợp lý, vận hành trơn tru hơn, trong bối cảnh thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" và cũng là "đột phá của đột phá".

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, một cuộc cải cách về thuế là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay - Ảnh: VGP/Quang Thương
Bài 1: Giải mã hệ thống thuế: Tháo điểm nghẽn, nuôi dưỡng động lực phát triển
GS. TS Hoàng Văn Cường bắt đầu vấn đề từ thuế giá trị gia tăng (VAT), loại thuế phổ biến, hầu hết các hàng hóa dịch vụ trên thị trường đều phải chịu loại thuế này và nhìn VAT từ bức tranh toàn cầu. Ông nhắc đến Mỹ – nơi không áp dụng thuế VAT mà thay vào đó là thuế bán hàng (sales tax) áp dụng theo từng bang. Mô hình này đơn giản đến mức "bán hàng bao nhiêu, thu thuế bấy nhiêu, nộp luôn – không cần chứng minh đầu vào, đầu ra".
So sánh tiếp, Canada và Australia triển khai mô hình GST (Goods and Services Tax) – một biến thể của VAT nhưng với cách vận hành nhẹ nhàng hơn, tránh việc gây tắc nghẽn dòng tiền doanh nghiệp. Trong khi đó, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) duy trì mức thuế tiêu dùng cực thấp, chủ động dùng thuế như công cụ kích cầu và cạnh tranh đầu tư.
"Bản chất các sắc thuế này đều đánh vào người tiêu dùng cuối cùng – không khác gì VAT. Nhưng cách thức vận hành mới là điều quyết định tạo ra sự dễ chịu hay ngột ngạt cho nền kinh tế", GS. Hoàng Văn Cường chỉ rõ.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, nhưng không phải để sao chép, mà để chọn lọc, thích ứng. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: tại sao cùng là thuế tiêu dùng, nhưng nơi thì gọn nhẹ, nơi thì thành nỗi ám ảnh với doanh nghiệp? Câu trả lời nằm ở một từ khóa: "vận hành".
Thuế VAT – ưu việt trên lý thuyết, bất cập khi vận hành
VAT từ lâu được xem là một trong những sắc thuế văn minh và tiến bộ nhất. Hiện có khoảng 160 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế này, coi đó như xương sống của nguồn thu ngân sách. Ưu điểm nổi trội của VAT nằm ở chỗ nó chỉ đánh trên phần giá trị tăng thêm ở mỗi khâu sản xuất, lưu thông. Cuối cùng, người tiêu dùng cuối mới là đối tượng chịu thuế, còn các doanh nghiệp ở khâu trung gian chỉ thực hiện vai trò "thu hộ" và được hoàn lại phần thuế đầu vào đã nộp. Nhờ cơ chế khấu trừ – hoàn thuế này, VAT tránh được việc đánh thuế trùng lặp lên cùng một cơ sở hàng hóa, qua đó tạo ra sự công bằng tương đối giữa các loại hình kinh doanh.
Thế nhưng, chính điểm ưu việt đó lại dẫn đến những thách thức không nhỏ trong thực tiễn. Để vận hành đúng nguyên lý của VAT, mỗi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất – phân phối buộc phải chứng minh minh bạch số thuế VAT đã nộp ở đầu vào và số VAT đã thu ở đầu ra, từ đó xác định phần chênh lệch phải nộp lại cho Nhà nước. Quy trình này tạo ra một khối lượng công việc giấy tờ và thủ tục không hề nhỏ, khiến hệ thống VAT trở nên phức tạp và khó vận hành. Sự phức tạp đó vô hình trung mở ra kẽ hở cho những hành vi gian lận, trục lợi gây lãng phí và thất thoát. Thực tế những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ gian lận hoàn thuế VAT chấn động, khi một số doanh nghiệp cấu kết tạo giao dịch khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Một trong những bất cập lớn nhất của hệ thống thuế Việt Nam hiện nay là tình trạng thuế chồng thuế
Trước hiện tượng thất thoát này, cơ quan thuế buộc phải thắt chặt quy trình hoàn thuế, tăng cường hậu kiểm. Tuy nhiên, các biện pháp siết chặt tuy ngăn chặn được kẻ gian lận lại vô tình đẩy những doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào thế khó. Nhiều doanh nghiệp đã nộp thuế đầu vào thật nhưng lại chật vật đòi hoàn thuế, bị "giam" một khoản tiền lớn trong thời gian dài. Hệ quả là không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất vốn lưu động, tiền đáng lẽ dành cho sản xuất kinh doanh thì bị tồn đọng tại cơ quan thuế. Rõ ràng, đây là những mặt trái của chính sách VAT hiện hành – một bài học đắt giá về khoảng cách giữa ý tưởng chính sách tốt và thực thi kém hiệu quả.
Nhìn nhận những bất cập này, GS. Hoàng Văn Cường thẳng thắn cho rằng lỗi không nằm ở bản chất sắc thuế, mà nằm ở cách thức chúng ta vận hành nó. VAT suy cho cùng vẫn là một sắc thuế tiên tiến; vấn đề là chúng ta đã làm nó biến dạng qua những khâu thực thi rườm rà. Vì lo sợ và để phòng chống gian lận, cơ quan quản lý đặt ra quá nhiều quy định ngặt nghèo và chính điều đó lại gây khó cho doanh nghiệp tuân thủ. Ông chỉ ra tình trạng phi lý: có doanh nghiệp phải nộp thuế đầu vào, nhưng sản phẩm đầu ra lại không thuộc diện chịu VAT, dẫn đến không có cách nào đòi hoàn thuế. Những nghịch lý này xuất phát từ hạn chế trong chính sách chứ không phải do thuế VAT "có lỗi". Do vậy, để phát huy ưu điểm của VAT và khắc phục nhược điểm, Việt Nam cần thay đổi căn bản tư duy và cơ chế vận hành sắc thuế này.
Thuế chồng thuế: Lực cản âm thầm trên hành trình hội nhập và tăng trưởng
Nhìn rộng hơn, GS Hoàng Văn Cường thống nhất với nhiều ý kiến đều cho rằng, hệ thống thuế của Việt Nam những năm qua đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, cơ bản, phát huy vai trò tích cực của chính sách tài khóa, nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng năm 2024, kết quả thu thực hiện cả năm cao nhất từ trước đến nay, đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 19,1% so dự toán; tỷ lệ động viên đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP, trong khi đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống thuế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, một trong những bất cập lớn nhất của hệ thống thuế Việt Nam hiện nay là tình trạng thuế chồng thuế – khi một mặt hàng hoặc hành vi tiêu dùng bị điều tiết đồng thời bởi nhiều sắc thuế có chức năng tương tự.
Ví dụ như, xe ô tô nhập khẩu hiện không chỉ chịu thuế nhập khẩu, mà còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục nộp thuế VAT, tính trên cả phần thuế tiêu thụ đặc biệt ấy. Điều này khiến giá trị chịu thuế bị đẩy cao lặp lại, gây cảm giác bất hợp lý cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Một trường hợp tương tự là xăng dầu – cùng lúc chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Cả hai sắc thuế này đều nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng có hại, nhưng khi áp đồng thời mà không phân định rõ vai trò, chính sách sẽ trở nên thiếu minh bạch, làm mờ mục tiêu điều tiết thực chất.
"Cùng một hành vi nhưng bị nhiều sắc thuế điều tiết sẽ tạo ra cảm giác bất hợp lý, triệt tiêu cả mục tiêu quản lý lẫn động lực thị trường", GS. Cường bình luận.
Cấu trúc VAT đánh trên cả phần thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế bảo vệ môi trường không gắn với đánh giá tác động cụ thể, bị xem là chưa phù hợp với chuẩn mực thương mại công bằng.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, việc xây dựng một hệ thống thuế rõ ràng về chức năng, minh bạch về mục tiêu không chỉ cần thiết cho doanh nghiệp trong nước, mà còn là điều kiện để khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập toàn cầu.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp
Gánh nặng tuân thủ: Bức tường vô hình của doanh nghiệp nhỏ
Một điểm nghẽn dai dẳng khác là chi phí tuân thủ thuế – yếu tố tưởng nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hay nói cách khác, nó là một trong những nguyên nhân quan trọng để các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ "không chịu lớn".
Trên lý thuyết, chính sách thuế được áp dụng thống nhất cho mọi doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, chi phí tuân thủ lại tỷ lệ nghịch với quy mô: càng nhỏ, gánh nặng càng lớn – nếu tính theo tỷ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận.
"Một doanh nghiệp lớn có thể thuê nguyên bộ phận kế toán để làm thuế. Nhưng một doanh nghiệp nhỏ, doanh thu vài trăm triệu, cũng phải thuê người kê khai như vậy – chi phí đó chiếm tỷ trọng cực lớn trong tổng doanh thu", GS. Cường chỉ rõ thực tế.
Chính sự bất cân xứng này là một trong những bức tường vô hình ngăn hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp. Họ không ngại nộp thuế nhưng ngại thủ tục rườm rà, chi phí phát sinh, và rủi ro xử phạt hành chính.
Nếu hệ thống thuế không được đơn giản hóa, "vùng xám" ấy sẽ tiếp tục tồn tại – không vì trốn tránh nghĩa vụ, mà vì sợ không đủ khả năng tuân thủ đúng luật. Khi đó, chúng ta đánh mất cơ hội đưa các nguồn lực phi chính thức trở thành lực lượng sản xuất hợp pháp, minh bạch, bền vững.
"Khi chi phí tuân thủ thấp, doanh nghiệp sẽ không có động cơ lẩn tránh. Ngược lại, họ sẽ chủ động tham gia hệ thống để được bảo vệ và phát triển," GS. Cường khẳng định.
Trên cơ sở đó, Giáo sư Hoàng Văn Cường nhất trí rất cao với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi dự hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo đó, ngành tài chính cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua giới hạn của bản thân; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, dứt khoát số hóa việc thu chi ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế…
Vị chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rất cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, đến nay đã rất chín muồi để thúc đẩy việc đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể".
Công tác xây dựng pháp luật phải áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực tiễn; bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, giải đáp các vướng mắc của cuộc sống và tìm ra con đường phát triển từ thực tiễn; đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bắt kịp xu thế thời đại.