Đã đến lúc cần tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp
Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh…
Trong bối Việt Nam còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì.
GIÁ ĐIỆN THẤP KHIẾN ĐẦU RA HÀNG HÓA MẤT CÂN BẰNG
Ngày 31/10, tại tọa đàm về “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, giá điện vẫn giữ mức giá Nhà nước quy định. Theo tinh thần giữ giá điện để hỗ trợ các lực lượng yếu thế.
Tuy nhiên, trên thực tế giá giá điện chung là giá mang tính bao cấp còn khá là nặng, cho nên mức giá điện đang khá là thấp. Trong khi đó, những năm gần đây chi phí về điện lại tăng rất cao.
Cụ thể, các điều kiện đầu vào, vốn liếng, tỷ giá hối đoái, thậm chí giá các năng lượng khác đều cao, nhưng giá điện vẫn giữ mức thấp, có tăng nhưng không đáng kể.
“Nước ta đang tính giá điện theo đúng tinh thần để hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Nhưng để giá điện quá thấp, thị trường sẽ mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, EVN và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng. Đấy là cái mà chúng ta đang phải trả giá”, ông Thiên bộc bạch.
Tiếp lời PGS.TS Trần Đình Thiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nêu ý kiến, việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra, như: 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát tăng thì buộc phải điều chỉnh.
Song, từ lúc Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, cho đến nay là 6 năm, Việt Nam chỉ có 3 lần điều chỉnh. Về thời gian là không bảo đảm theo quy định.
Còn về nội hàm của giá điện, các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩa là tất cả những chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ... tất cả những khâu đó tạo nên giá thành điện.
Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... nước ta lại không tính đủ giá thành của điện vào trong giá.
“Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Một là, dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải”, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.
Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường. Vì vậy, theo vị chuyên gia, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc đề ra.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ
Bài toán về giá điện đã được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua, cũng tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, ông hay ví von bài toán giá điện là một bài toán phải cắt biến số, không có quá nhiều ẩn số, không có quá nhiều biến số không chính xác, không rõ ràng người ta không thể giải được.
Việc đầu tiên cần xử lý rõ là các biến số trong bài toán này trước hết phải rõ ràng. Nếu một yếu tố nào đó méo mó, nó có thể dẫn tới chúng ta giải sai bài toán đã được nêu ra.
Về mặt chính sách ông Hiếu đã đưa ra 3 điểm cần xử lý. Thứ nhất, không còn phải tranh cãi với nhau về việc giá điện. Đầu tiên và quan trọng nhất là biến số đó và phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng.
Thứ hai, làm sao phải đảm bảo được an ninh nguồn điện. Ít nhất phải đảm bảo đủ điện, khi đó mới đi tiếp giải bài toán.
“Không thể tiếp cận riêng lẻ, đòi hỏi ở đây là các chính sách đồng bộ, không phải đồng bộ hôm nay có cái này, ngày mai có cái kia mà đồng bộ kịp thời, nó phải đồng thời cùng một lúc. Nếu như có cái này mà các chính sách khác chưa giải quyết được thì không thể giải quyết được câu chuyện đó, không tạo ra được cơ chế khuyến khích”, vị đại biểu Quốc hội bày tỏ.
Thứ ba là phải quyết liệt, kịp thời. Trước mắt, theo dự báo trước đây, có thể tình hình điện sẽ khó khăn, theo ông Phan Đức Hiếu, sự quyết liệt, kịp thời rất đúng và quan trọng.
Trong chính sách này, đặc biệt tập trung tăng tính cạnh tranh. Quan trọng hơn nữa, khi sửa đổi các chính sách và cần lưu ý là giá cuối cùng của sản phẩm dịch vụ nói chung là chi phí sản xuất cộng với chi phí ta gọi là tuân thủ luật pháp.
Như vậy, nếu muốn giảm được, ngoài việc cạnh tranh, chi phí thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật cũng phải giảm. Từ đó, sẽ tạo ra một cái giá hợp lý hơn trong bối cảnh không phải sản xuất bằng mọi giá, sản xuất làm sao hợp lý nhất.
Sau khi có một bức tranh về sản xuất, phân phối, giá thành… Khi đó bắt đầu tiếp cận những người tiêu dùng, tách bạch ra các chính sách và có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó có thể có mục tiêu chính sách khác nhau. Ví dụ như chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, chính sách thúc đẩy tiêu thụ điện xanh… để đạt được mục tiêu hài hòa.
Cùng với đó, trong truyền thông chính sách, quan trọng nhất là minh bạch, công khai hóa để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu các câu chuyện về giá điện.
Đồng thời, nên có các chính sách để thay đổi hành vi, khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện, không nên dùng các biện pháp hành chính mà nên sử dụng các công cụ để khuyến khích thay đổi hành vi.
Ví dụ, việc thay đổi bảng giá điện, thang giá điện, hay cách tính giá điện, chúng ta phải có sự phân chia thang biểu giá điện một cách hợp lý để thực sự bảo vệ lợi ích của những người nghèo, nhưng thỏa đáng với những người có điều kiện kinh tế nhất định. Hay biện pháp quay xổ số hóa đơn theo tôi, cũng rất hiệu quả.