Đã đến lúc kiểm soát hoạt động đầu cơ hàng hóa
Việc cho rằng giá hàng hóa tăng đột biến xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra chỉ là một cách giải thích không thực sự thật đầy đủ.
Tờ Bangkok Post đăng tải bài viết của bà Jayati Ghosh, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst và là thành viên Ban cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc, với nội dung kêu gọi các quốc gia cần tăng cường kiểm soát hoạt động đầu cơ vào hàng hóa trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang.
Theo nội dung bài viết, giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng cao kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong 6 tháng qua. Trên thị trường kỳ hạn, giá dầu thô tăng 39% từ 89 USD/thùng lên 124 USD/thùng chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 8/2 đến ngày 8/3) và sau đó giảm xuống 95 USD trong tháng tiếp theo. Giá dầu thô tăng trở lại, lên mức 122 USD/thùng vào ngày 8/6, nhưng lại giảm mạnh xuống 88 USD/thùng vào ngày 4/8 - thấp hơn mức hồi đầu tháng Hai.
Giá lúa mỳ kỳ hạn trên toàn cầu cũng cho thấy sự biến động tương tự. Giá lúa mỳ mùa Đông đỏ mềm đã tăng từ 332 USD/tấn vào tháng Một lên 672 USD/tấn vào tháng Tư, nhưng đến tháng Sáu đã giảm xuống còn 380 USD/tấn - vẫn cao hơn khoảng 50% so với một năm trước, nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh được thiết lập trước đó.
Những biến động giá mạnh mẽ này không xuất phát từ những thay đổi về sản lượng và nhu cầu thực tế. Đổ lỗi giá hàng hóa tăng đột biến xuất phát tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra chỉ là một cách giải thích không thực sự thật đầy đủ.
Đặc biệt, mức tăng tỷ suất lợi nhuận lớn của nhóm các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới (Big Oil) và các công ty kinh doanh nông sản cho thấy họ đã tăng giá năng lượng và thực phẩm cao hơn rất nhiều so với những gì mà họ biện minh về việc tăng chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ rầm rộ, chủ yếu từ các công ty tài chính như quỹ đầu tư chi phối hoạt động giao dịch, đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Ví dụ, một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Kabir Agarwal, Thin Lei Win và Margot Gibbs đã chỉ ra rằng các quỹ đầu tư đã hoạt động rất sôi nổi trên thị trường lúa mỳ Paris. Tỷ lệ nắm giữ các cổ phiếu của các quỹ này đã tăng từ 23% vào tháng 5/2018 lên tới 72% vào tháng 4/2022 và duy trì trên 50% vào tháng 5/2022.
Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy, khối lượng giao dịch tại thị trường khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) thông qua điểm giao dịch TTF ở Hà Lan đã tăng nhảy vọt lên hơn 114 lần vào năm 2020, trong khi mức tăng thông thường trong suốt một thập kỷ qua (từ năm 2011) chỉ khoảng 14 lần.
Hoạt động đầu cơ như vậy đã gây ra những tác động khá rõ ràng, khi vào tháng 3/2022, giá nickel tăng đột biến đã buộc Sở giao dịch kim loại London (LME) phải tạm ngừng và hủy bỏ tất cả các giao dịch. Các giao dịch mua bán qua quầy (OTC) diễn ra bên ngoài sàn giao dịch sẽ được LME yêu cầu báo cáo giá trị giao dịch thực hàng tuần.
Điều này cực kỳ quan trọng vì thực phẩm, nhiên liệu và các kim loại cơ bản cần thiết cho hoạt động sản xuất và cuộc sống. Sự biến động giá cả hàng hóa ảnh hưởng đến mức sống và khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tác động không nhỏ đến tình trạng lạm phát và nạn đói hiện đang rình rập hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Các nhà hoạch định chính sách rõ ràng đã nhận thức được tác động từ hoạt động tài chính điên cuồng trên thị trường hàng hóa thiết yếu. Điều tương tự đã xảy ra trong giai đoạn 2007-2009, khi giá dầu và thực phẩm lần đầu tiên tăng mạnh trước khi giảm xuống mức bình thường trong khoảng thời gian 18 tháng, đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Sau trải nghiệm đó và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cả Mỹ (thông qua Đạo luật Dodd-Frank) và EU đều tìm cách điều chỉnh các công cụ phái sinh hàng hóa ở một mức độ nào đó.
Theo tác giả bài viết, tốt nhất, các quy định nên ngăn chặn đầu cơ bằng cách đảm bảo rằng tất cả các giao dịch diễn ra trên các sàn giao dịch được quản lý, không phải trên cơ sở OTC và phải được tiến hành một cách minh bạch. Hơn nữa, các sàn giao dịch chỉ nên cho phép những thành viên tham gia có liên quan trực tiếp đến hàng hóa giao dịch. Và những người tham gia thị trường nên tuân thủ các giới hạn mua, bán mà có thể nắm giữ, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thực sự của họ hoặc hoạt động sản xuất liên quan đến mặt hàng đó.
Các quy định của Mỹ và EU quan trọng nhất vì những thị trường này quyết định phần lớn giá cả hàng hóa toàn cầu. Nhưng những thay đổi được đưa ra không thực sự hiệu quả.Các quy tắc hiện hành của EU chỉ giúp ngăn chặn việc lạm dụng thị trường trên các sàn giao dịch chính thức bằng cách giới hạn khối lượng mua, bán của các nhà đầu tư tư nhân, nhưng vẫn cho phép giao dịch hàng hóa OTC, tạo điều kiện cho đầu cơ quá mức tiếp tục diễn ra. Mỹ cấm giao dịch OTC ở hầu hết các mặt hàng, nhưng các đại lý vẫn có thể tham gia thị trường thông qua Proxy.
Do đó, tình trạng đầu cơ vào các mặt hàng thiết yếu vẫn đang là một vấn đề hiện hữu có thể tàn phá đời sống và sinh kế của người dân. May mắn thay, có những dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý đang chú ý tới vấn đề này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gần đây ở Indonesia, ông Klaas Knot - Chủ tịch Ủy ban Ổn định Tài chính đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hoạt động đầu cơ. Nhưng chỉ giám sát sẽ không đủ. Các biện pháp quản lý cần thiết để hạn chế hoạt động đầu cơ vào thị trường hàng hóa là điều hiển nhiên, do đó, việc thiếu các hành động kịp thời là vấn đề cần lưu tâm. Điều đó cho thấy rằng một số nhà quản lý và hoạch định chính sách vẫn đang đặt lợi ích tài chính lên trên mọi thứ khác, bất kể mọi người khác phải trả giá như thế nào./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-den-luc-kiem-soat-hoat-dong-dau-co-hang-hoa/255303.html