Đã đến lúc thị trường chứng khoán thay đổi về chất?

Sau 25 năm vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt yêu cầu bứt phá về chất để thu hút dòng vốn dài hạn và nâng hạng quốc tế.

Lực đẩy từ thành quả 25 năm phát triển

Sáng 23/7, tại Hà Nội, tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức diễn ra trong không khí đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị bước sang dấu mốc tròn 25 năm kể từ ngày vận hành chính thức.

Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”. Ảnh: Chí Cường

Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”. Ảnh: Chí Cường

Sự kiện không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua mà còn mở ra những kỳ vọng mới về tương lai của một thị trường ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Văn Hoành, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư, cho rằng, một phần tư thế kỷ đi qua đã để lại chặng đường phát triển đáng kể với nhiều thành tựu rõ nét cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhất là khi nhìn lại xuất phát điểm với chỉ hai mã cổ phiếu trong những phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. "Hôm nay, thị trường đã mở rộng cả về quy mô và tầm ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Hoành nhấn mạnh.

Theo Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư, diễn biến thị trường thời gian gần đây phần nào phản ánh rõ sinh khí tích cực. "Những phiên giao dịch đạt thanh khoản cao nhất trong khu vực ASEAN được ghi nhận đúng vào dịp kỷ niệm, tạo ra sự trùng hợp thú vị và cũng là chỉ dấu quan trọng cho thấy sức hút của kênh đầu tư này đang được khẳng định lại trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, những dòng vốn mới đang bắt đầu vận động mạnh hơn, khi cơ hội được nhận diện rõ ràng hơn, niềm tin được khơi thông và kỳ vọng đang được định hình theo hướng dài hạn", ông nói.

Ông Phạm Văn Hoành, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Chí Cường

Ông Phạm Văn Hoành, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Chí Cường

Từ góc nhìn cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, thành quả của thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 25 năm qua là đáng ghi nhận, khi xuất phát điểm là con số không, trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi và khung khổ pháp lý còn sơ khai. Đến nay, thị trường đã có nền tảng tương đối hoàn chỉnh về thể chế, hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ vận hành và cơ cấu nhà đầu tư.

Thứ trưởng nhấn mạnh, một hành lang pháp lý quan trọng đã được thiết lập, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động ổn định. Cùng với đó là sự trưởng thành của các thành viên thị trường, với nền tảng tài chính vững vàng, năng lực chuyên môn được nâng lên, sẵn sàng thích ứng với các giai đoạn phát triển mới.

"Từ vài trăm tài khoản ban đầu, thị trường hiện có gần 10 triệu tài khoản đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, trong nước và quốc tế. Đây là con số thể hiện sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô thị trường và chiều sâu về mặt cấu trúc", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Bên cạnh đó, quy mô vốn hóa thị trường từng bước tăng trưởng và hiện đạt khoảng 60 - 70% GDP, cho thấy mức độ kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực. Hạ tầng công nghệ cũng liên tục được đầu tư, với hệ thống công nghệ thông tin KRX mới được đưa vào vận hành, giúp thị trường giao dịch an toàn và hiệu quả hơn. Công tác thanh toán, chuyển giao chứng khoán đang được triển khai theo hướng hiện đại hóa, với việc chuẩn bị cho hệ thống CCP trong tương lai gần.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý thị trường ngày càng được chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa, đóng vai trò quan trọng trong điều hành và định hướng thị trường trong giai đoạn tới. "Những nền tảng này không chỉ tạo nên sự ổn định cần thiết mà còn là điều kiện tiên quyết để hướng tới những bước phát triển mới mang tính chất lượng", Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đầu tư nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Chí Cường

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Chí Cường

Kỳ vọng về tầm cao mới cho dòng vốn dài hạn

Trên nền tảng đã xây dựng được sau 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình về chất, đặc biệt là trong việc thu hút và giữ chân dòng vốn dài hạn, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế lớn của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, phát triển hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, thị trường chứng khoán phải đóng vai trò là kênh huy động vốn bền vững, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn nữa.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý để thị trường phát triển đúng hướng, đủ năng lực đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe từ các dòng vốn quy mô lớn. Mặc dù Luật Chứng khoán 2019 và bản sửa đổi năm 2024 đã định hình khung pháp lý tương đối rõ, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những điểm nghẽn cần được tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh thị trường cần tạo bước nhảy vọt về chất.

Một nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận là vấn đề hàng hóa trên thị trường. Việc thiếu các sản phẩm chất lượng cao, cổ phiếu có vốn hóa lớn và đủ sức hấp dẫn là một trong những yếu tố cản trở việc thu hút nhà đầu tư tổ chức. Thị trường cần có thêm những doanh nghiệp niêm yết có nền tảng tài chính lành mạnh, quản trị minh bạch và tiềm năng tăng trưởng thực chất để tăng sức hút đối với các nhà đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, cấu trúc nhà đầu tư cũng cần có sự điều chỉnh. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, cần tăng cường vai trò của nhà đầu tư tổ chức. Đây là lực lượng có khả năng dẫn dắt xu hướng, tạo nền tảng ổn định và giảm thiểu các biến động mang tính tâm lý đám đông. Đồng thời, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết của nhà đầu tư cá nhân cũng là yếu tố cần thiết để thị trường phát triển lành mạnh hơn trong tương lai.

Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” diễn ra trong không khí đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị bước sang dấu mốc tròn 25 năm kể từ ngày vận hành chính thức. Ảnh: Chí Cường

Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” diễn ra trong không khí đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị bước sang dấu mốc tròn 25 năm kể từ ngày vận hành chính thức. Ảnh: Chí Cường

Hệ sinh thái các tổ chức trung gian tài chính cũng được đặt trong tầm quan sát, với yêu cầu tăng cường năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các đơn vị thành viên khác. Những bất cập trong vận hành và kết nối cần được nhìn nhận thẳng thắn, qua đó đưa ra các giải pháp đồng bộ về công nghệ, quy trình và tiêu chuẩn dịch vụ.

Một vấn đề được cộng đồng đầu tư đặc biệt quan tâm là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu về mặt hình thức mà còn là biểu hiện của một thị trường vận hành theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch và hiệu quả. Khi được nâng hạng, Việt Nam có thể tiếp cận nhiều hơn các dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư toàn cầu, góp phần tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên bản đồ tài chính khu vực. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, thị trường phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng hàng hóa, mức độ tự do chuyển đổi, khả năng tiếp cận thông tin và quyền lợi của nhà đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, chủ đề tọa đàm lần này rất đúng với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, khi đất nước đang cần một thị trường chứng khoán đủ sức làm bệ đỡ tài chính cho các kế hoạch phát triển lớn. Trong bối cảnh đó, việc thảo luận và đưa ra giải pháp thúc đẩy dòng vốn mới không chỉ là việc riêng của cơ quan quản lý hay các nhà đầu tư mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống.

Bằng việc nhìn nhận đúng vai trò, tháo gỡ những điểm nghẽn và củng cố nền tảng đã có, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và thực chất hơn. Những dòng vốn mới, nếu được dẫn dắt bởi chính sách phù hợp và niềm tin thị trường, sẽ trở thành động lực quan trọng để thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế quốc gia.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-den-luc-thi-truong-chung-khoan-thay-doi-ve-chat-411831.html