Đà Nẵng: Gỡ nút thắt để phát triển du lịch sức khỏe
Sau khi sáp nhập với Quảng Nam, TP. Đà Nẵng càng có thêm nguồn tài nguyên quý giá phục vụ du lịch sức khỏe như sâm Ngọc Linh - 'quốc bảo' của Việt Nam, các suối khoáng nóng, cùng nhiều bài thuốc nam bí truyền của đồng bào dân tộc thiểu số... Đây là nền tảng để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch sức khỏe.
Tiềm năng từ lợi thế tự nhiên và hệ thống y tế hiện đại
Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều xu hướng du lịch mới. Trong đó, du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) đang trở thành một dòng sản phẩm nổi bật.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sức khỏe là rất lớn, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác tương xứng. Trong đó, khu vực miền Trung được xem là vùng đất “vàng” để phát triển loại hình du lịch này nhờ hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi như: bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, hệ thống suối khoáng nóng phân bố rộng khắp, nền y học cổ truyền phát triển và nguồn dược liệu phong phú…
Ở miền Trung, sau khi sáp nhập với Quảng Nam, TP. Đà Nẵng lại càng có thêm dư địa để phát triển mạnh mẽ du lịch sức khỏe, hướng đến trở thành trung tâm wellness tourism hàng đầu khu vực cũng như cả nước.
Đà Nẵng vốn đã nổi tiếng với kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, môi trường sống trong lành, thân thiện và an toàn. Bên cạnh, thành phố còn sở hữu hệ thống y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi và nhiều kỹ thuật y học tiên tiến đã được áp dụng thành công... Những điều này, không chỉ phục vụ người dân mà còn tạo tiền đề để phát triển các sản phẩm du lịch gắn với y tế chất lượng cao.

Sau khi sáp nhập với Quảng Nam, TP. Đà Nẵng có thêm dư địa để phát triển du lịch sức khỏe.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến , Chủ tịch Hội Y học TP. Đà Nẵng, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các hình thức du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là du lịch y tế, đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Đây không chỉ là một mô hình kinh tế sáng tạo, mà còn là giải pháp tích hợp nhiều lợi ích: nâng cao sức khỏe cộng đồng, tăng nguồn thu từ khách du lịch, thúc đẩy đầu tư y tế và quảng bá hình ảnh địa phương hiệu quả. Với tiềm năng sẵn có, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch y tế hàng đầu miền Trung cũng như cả nước.
Hiện, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố đã chủ động đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất để phục vụ khách du lịch quốc tế, như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện 199, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Vinmec… Từ năm 2017, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã thành lập đơn vị “Du lịch chữa bệnh” để khám, điều trị và phục hồi sức khỏe cho du khách trong và ngoài nước.
Đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, số lượng khách quốc tế đến khám và điều trị tăng rõ rệt. Một trong những lý do là bệnh viện đã được các hãng bảo hiểm y tế quốc tế công nhận chi trả. Điều này, chứng minh năng lực chuyên môn cũng như uy tín của bệnh viện. Khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng nếu chẳng may gặp vấn đề y tế đều có thể yên tâm điều trị tại đây.
Bên cạnh tiềm lực về y tế, sau khi sáp nhập với Quảng Nam, Đà Nẵng càng có thêm nguồn tài nguyên quý giá phục vụ du lịch sức khỏe như sâm Ngọc Linh - “quốc bảo” của ngành dược Việt Nam, các suối khoáng nóng Thái Sơn, Phú Ninh… cùng nhiều bài thuốc nam bí truyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nền tảng để hình thành các sản phẩm du lịch kết hợp trị liệu, nghỉ dưỡng và làm đẹp mang đậm bản sắc địa phương.

Hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sức khỏe.
Hướng đến xây dựng hệ sinh thái du lịch sức khỏe
Gần đây, phố cổ Hội An - một phần của Đà Nẵng sau sáp nhập, đã được báo Times of India (Ấn Độ) đưa vào danh sách 5 điểm đến lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu thể chất và tinh thần. Hội An ghi điểm với du khách quốc tế nhờ các dịch vụ spa, thiền, yoga mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam trong không gian yên bình, gần gũi thiên nhiên.
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe như vật lý trị liệu, ngâm chân thảo dược, massage, thiền tại làng rau Trà Quế, Cẩm Thanh hay Cù Lao Chàm vốn đã được nhiều đơn vị lữ hành khai thác trong các tour du lịch. Các khách sạn, resort ven biển cũng phát triển nhiều sản phẩm liên quan đến sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Trước tiềm năng rộng mở đó, TP. Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển du lịch y tế giai đoạn 2025-2030 với các mục tiêu cụ thể: nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng thương hiệu du lịch y tế, thu hút khách quốc tế, phát triển các gói dịch vụ đa dạng (khám tổng quát, thẩm mỹ, phục hồi chức năng…), xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế, đào tạo nhân lực chuyên môn cao và triển khai hệ thống trực tuyến hỗ trợ du khách.
Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch sức khỏe tại Đà Nẵng vẫn mới ở giai đoạn khởi động, vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ. Trong đó, hiện còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa ngành du lịch và y tế, thiếu các tiêu chí đánh giá chuẩn quốc tế, cơ chế ưu đãi còn hạn chế, chính sách đầu tư cho bất động sản nghỉ dưỡng tích hợp chăm sóc sức khỏe còn những rào cản...

Cần có những sản phẩm du lịch sức khỏe phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch VITRACO cho rằng, muốn phát triển bền vững, Đà Nẵng cần nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái du lịch y tế tích hợp, phát triển sản phẩm chuyên biệt theo từng thị trường; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu điểm đến. Việc đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục đầu tư, tạo cơ chế ưu đãi cũng là những yếu tố không thể thiếu.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng: như gói nghỉ dưỡng - dưỡng lão dài ngày cho người cao tuổi; gói khám sức khỏe tổng quát cho Việt kiều, khách ASEAN; gói làm đẹp hướng đến khách Hàn Quốc, Trung Quốc… Đối với du khách nội địa, có thể phát triển các tour nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh gia đình, du lịch sức khỏe cho người lớn tuổi.
Song song đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp du lịch và đơn vị y tế, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ y học cổ truyền, phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp chăm sóc sức khỏe, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các nước có ngành du lịch y tế phát triển như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Với những định hướng đúng đắn, nếu được đầu tư bài bản và đồng bộ, không xa nữa, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch sức khỏe châu Á, nơi du khách không chỉ đến để thư giãn, khám phá mà còn để chăm sóc và hồi phục thể chất, tinh thần một cách toàn diện.