Đà Nẵng: Phát hiện vụ đổ chất lỏng màu đỏ vào ruốc
Trong thời gian gần đây, tại Đà Nẵng, người dân phản ánh có hiện tượng một số nhóm tiểu thương thường xuyên đổ chất lỏng màu đỏ vào ruốc (động vật giáp xác mười chân sống ở vùng nước lợ hay nước mặn ven biển) khi mới đánh bắt từ biển lên tại khu vực biển Thọ Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Điều này khiến cho người tiêu dùng lo lắng, hoang mang, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng xử lý triệt để hành vi này.
Tiểu thương hòa chất lỏng đỏ không rõ nguồn gốc vào ruốc
Sau khi nắm được thông tin phản ánh của người dân, vào ngày 25/2, nhóm phóng viên đã đến khu vực biển Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) lúc 5 giờ 30 để tìm hiểu.
Qua quan sát, vào tầm 6 - 7 giờ, một nhóm tiểu thương đã thực hiện hành vi dùng chất lỏng màu đỏ trong chai đổ vào ruốc.
Tìm hiểu kỹ thì loại ruốc này là ruốc loại 1, dùng để bán cho người tiêu dùng ăn trực tiếp.
Tiểu thương chỉ đổ chất lỏng màu đỏ vào ruốc, khi ruốc có hiện tượng nhợt nhạt, không còn tươi, với mục đích để cho ruốc có màu đỏ tươi trở lại, dễ bán với giá cao.
Ruốc được chia làm nhiều loại, trong đó, ruốc loại 3 được bán với giá 10 nghìn đồng/kg, thường được dùng để làm mắm; ruốc loại 2 phơi khô làm tép, và ruốc loại 1 để người dân chế biến thức ăn sau khi mua về, và được tiểu thương bán với giá từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/1kg.
Thường xuyên đi bộ vào sáng sớm ở khu vực buôn bán ruốc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, ông Lê Phô (trú tại quận Sơn Trà) cho hay, đi bộ qua nơi bán ruốc, tôi thường thấy nhiều chai màu đỏ vứt lăn lóc ở bãi biển, một số nhóm tiểu thường thường dùng chất màu đỏ này để đổ vào ruốc. Điều này, khiến cho tôi và người dân khi chứng kiến đều có tâm lý bất an, không dám mua về để chế biến.
Phát hiện trong mẫu ruốc có chất gây hại sức khỏe
Ông C.Đ.H (trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) sau khi chứng kiến sự việc người dân dùng chất lỏng màu đỏ để nhuộm ruốc đã gửi đơn kiến nghị đến quận Sơn Trà.
Nhận được đơn kiến nghị, ngày 7/2, Phòng Kinh tế, quận Sơn Trà đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Đội Cảnh sát kinh tế thuộc Công an quận Sơn Trà và UBND phường Thọ Quang kiểm tra hoạt động bảo quản, mua bán ruốc sau khai thác của ngư dân, tiểu thương tại khu vực bãi biển đầu tuyến đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tiểu thương sử dụng dung dịch màu đỏ, được chứa trong chai nhựa đổ vào ruốc, qua khai thác thông tin từ ngư dân, nước này để tạo màu đỏ cho ruốc với mục đích để sản phẩm nhìn tươi hơn.
Theo hướng dẫn của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Phòng Kinh tế đã mua 2 mẫu ruốc tươi từ tiểu thương, gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy Sản vùng 2 để thử nghiệm các chỉ tiêu Rhodamine B và Formaldehyde.
Đến ngày 14/2, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 thông báo kết quả: Chỉ tiêu Rhodamine B cả 2 mẫu đều không phát hiện; chỉ tiêu Formaldchyde có 1 mẫu phát hiện với hàm lượng 100,42 mg/kg và 1 mẫu phát hiện với hàm lượng 27,19 mg/kg.
Phòng Kinh tế quận Sơn Trà tiếp tục lấy 2 mẫu của ngư dân đánh bắt (tại khu vực bãi biển đầu tuyến Hoàng Sa, phường Tho Quang) và lấy mẫu tại 5 chợ Mân Thái, Mai, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc tuy nhiên các mẫu này không có phát hiện chất Formaldchyde.
Mặc dù đã phát hiện chất độc gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng quận Sơn Trà vẫn chưa có biện pháp tuyên truyền, xử lý mạnh đối với những nhóm tiểu thương này, gây ra hoang mang, bất an cho người dân.
Trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, ông Hải cho biết, Ban quản lý đã nhận được báo cáo của Phòng Kinh tế, quận Sơn Trà vào ngày 25/2. Ông Hải nhận định, trong báo cáo quận còn nhiều điểm không rõ ràng về địa điểm, thời gian; trong quá trình kiểm tra lấy mẫu chưa xác định được hành vi của tiểu thương.
Theo ông Hải, trong 2 mẫu đầu tiên mà quận Sơn Trà gửi đi kiểm nghiệm, có chất Formaldchyde là chất gây hại cho sức khỏe tiêu dùng, người dân không thể sử dụng.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ có kế hoạch kiểm tra, trinh sát lấy mẫu từ người dân có hành vi nhuộm chất màu đỏ vào ruốc.