Đà Nẵng tìm 'bản vẽ' phát triển đô thị Hòa Vang

Là khu vực phát triển đô thị mới của TP. Đà Nẵng, huyện Hòa Vang sẽ được phát triển theo mô hình đô thị nào để tránh ảnh hưởng về môi trường, văn hóa, làng nghề, cũng như di tích văn hóa?

Dư địa lớn

Thời điểm trước năm 1997, diện tích đô thị của Đà Nẵng chưa đến 6.000 ha. Rất nhanh sau đó, Thành phố mở rộng thêm gần 20.000 ha, các quận Hòa Khánh, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ sớm trở thành nội thị. Đến nay, nơi duy nhất còn lại để phát triển đô thị ở Đà Nẵng chỉ có thể là huyện Hòa Vang. Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2025 Hòa Vang đủ điều kiện thành lập thị xã.

Theo ông Đinh Thế Vinh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, định hướng phát triển đô thị của huyện Hòa Vang trong quy hoạch chung đã được phê duyệt. Theo đó, huyện là nơi có 2 cụm việc làm ưu tiên tập trung là Cụm công nghiệp công nghệ cao, Cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được kết nối với các cụm việc làm còn lại bằng 2 vành đai kinh tế là Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics, Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hòa Vang cũng là nơi tập trung các trung tâm mới của TP. Đà Nẵng như Trung tâm dịch vụ Công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc Thành phố; Trung tâm thương mại dịch vụ gắn với Ga đường sắt mới. Định hướng phát triển không gian theo các phân khu, thì Hòa Vang nằm trên 8/12 phân khu của TP. Đà Nẵng, bao gồm toàn bộ 3 phân khu Đô thị Sườn đồi, Dự trữ phát triển, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; một phần của 5 phân khu Sinh thái phía Tây, Cảng biển Liên Chiểu, Công nghệ cao, Trung tâm lõi xanh, Đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Hòa Vang đang triển khai đầu tư 4 khu đô thị sinh thái, gồm Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông, quy mô gần 100 ha; Khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh Nam Hải Vân quy mô hơn 97 ha; Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái, quy mô 87 ha và Khu biệt thự sinh thái phía Đông đường tránh Nam Hải Vân, diện tích hơn 60 ha. Với tổng vốn dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng, đây được xem là cụm đô thị sinh thái lớn nhất hiện nay được đầu tư tại TP. Đà Nẵng sau nhiều năm không có thêm quỹ đất mới.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hòa Vang là vùng đệm, vùng đất dự trữ, vùng sinh thái nông lâm nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học của TP. Đà Nẵng. Huyện còn có khu công nghệ cao, nhiều dự án công nghiệp - dịch vụ, đầu mối các dự án hạ tầng kết nối, hình thành các khu du lịch sinh thái… “Tất cả là tiền đề cho Hòa Vang phát triển nhanh các khu đô thị, tăng trưởng kinh tế để sớm đạt mục tiêu trở thành thị xã đô thị loại III”, ông Chính nhận định.

Hình mẫu nào?

Phát triển đô thị Hòa Vang là điều tất yếu, song đây là khu vực có sự đa dạng về thiên nhiên và văn hóa xã hội, có sông dài, núi cao, có cảnh quan hùng vĩ…, nên “bản vẽ” đô thị Hòa Vang không thể làm theo kiểu cũ, tức là chia nhỏ các lô đất theo mô hình “nhà ống”.

Ông Bùi Huy Trí, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cho rằng, đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích cho Hòa Vang, nhưng đã gây nên những mất mát không dễ đo đếm về môi trường, văn hóa, làng nghề, di tích văn hóa…

Theo Quy hoạch, TP. Đà Nẵng phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Đến năm 2030, thị xã Hòa Vang có dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người. Như vậy, Hòa Vang sẽ phát triển thành thị xã có tỷ lệ đô thị hóa rất cao, đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình chuyển dịch từ một huyện nông nghiệp thành khu vực đô thị.

Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng Hòa Vang là đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi có bản sắc riêng; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao...

“Đó sẽ là một bức tranh rất sinh động. Nhưng để phác thảo và hoàn thiện bức tranh đó, cần đến một lộ trình phát triển có tính sáng tạo, sự kiên định và nhất quán. Trong đó, các vấn đề về định hình không gian, phát triển ngành nghề kinh tế và bảo vệ vốn liếng di sản cần được xem xét trong mối quan hệ thống nhất”, ông Trí đề xuất.

Theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện Hòa Vang, việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị Hòa Vang trong tương lai cần phải gìn giữ sự đa dạng sinh học; thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên; đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan...

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/da-nang-tim-ban-ve-phat-trien-do-thi-hoa-vang-d217972.html