Đà Nẵng vào tâm điểm chiến lược tài chính quốc tế

Việc Quốc hội chọn Đà Nẵng là nơi đặt trung tâm tài chính quốc tế cùng với TP.HCM cho thấy vị thế mới của thành phố. Một quyết sách táo bạo, mang đến kỳ vọng lớn và cả sức ép không nhỏ trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Ngày 4/7, tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều thông tin mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tới.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp “có tính lịch sử cách mạng” bởi Quốc hội đã thông qua số lượng luật và nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay. Với 34 luật, 14 nghị quyết và đặc biệt là sửa đổi Hiến pháp để cho phép xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hoàn toàn mới- mô hình chính quyền hai cấp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Trong tổng thể các quyết sách lớn đó, Đà Nẵng là địa phương được nhắc đến với nhiều điểm nhấn mang tính chiến lược. Theo đó, một thực thể hành chính mới vừa được thành lập, bao gồm tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng với diện tích gần 12.000 km² và dân số hơn 3 triệu người, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, Đà Nẵng mới không tiếp tục mô hình chính quyền đô thị như trước mà chuyển sang mô hình chính quyền toàn diện, nghĩa là có Hội đồng nhân dân ở cấp phường. Điều này không chỉ thay đổi cấu trúc tổ chức bộ máy mà còn thể hiện định hướng quản trị mới, sâu sát và dân chủ hơn ở từng cấp địa phương.

Một điểm nhấn nổi bật khác tại kỳ họp là việc Quốc hội thông qua chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, với địa điểm được đặt tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, đây là quyết sách chưa từng có tiền lệ, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. “Mô hình một trung tâm tài chính mà đặt tại hai nơi cùng một lúc thì lần đầu tiên trên thế giới này có”, ông Quảng nhấn mạnh.

Trên thế giới hiện có 119 trung tâm tài chính nhưng số trung tâm thực sự thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc đặt trung tâm tài chính tại hai địa phương từng được đưa ra Quốc hội thảo luận với nhiều ý kiến băn khoăn. Có quan điểm cho rằng TP. Hồ Chí Minh đã hội đủ các điều kiện về hạ tầng, thị trường tài chính, các định chế ngân hàng và kinh nghiệm vận hành… để trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Trong khi đó, Đà Nẵng được nhìn nhận là vẫn còn thiếu nhiều điều kiện nền tảng. Một số đại biểu cũng lo ngại rằng nếu cả hai địa phương cùng triển khai mô hình trung tâm tài chính mà không có sự phân định rõ ràng sẽ dễ dẫn đến xung đột về chức năng, chồng lấn về chính sách và triệt tiêu lẫn nhau về lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, sau quá trình phân tích và đánh giá, Chính phủ đã quyết định theo hướng chỉ thành lập một trung tâm tài chính quốc tế duy nhất nhưng đặt tại hai nơi – TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng với chức năng được phân định rõ ràng nhằm phát huy thế mạnh riêng của từng địa phương.

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò là trung tâm tài chính mang tính truyền thống, nơi hội tụ các sàn giao dịch chứng khoán, hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính lớn. Còn TP. Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính thế hệ mới như tài chính xanh, tài chính số, những hướng đi tiềm năng trong kỷ nguyên chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư quốc tế trong thời gian gần đây. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, để hiện thực hóa được định hướng này, điều quan trọng nhất là phải có nhận thức đúng, đầy đủ và hành động nhất quán, bài bản.

Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri.

“Chúng ta cần phải hiểu rõ và thấy được trách nhiệm của mình để làm sao những cái tiềm năng, lợi thế đó thực sự trở thành một lực hút cho các nhà đầu tư. Đây là một vinh dự lớn nhưng cũng là một thách thức rất lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, Đà Nẵng còn là địa phương đi đầu trong việc đề xuất các mô hình kinh tế mới, mang tính thử nghiệm thể chế. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Quốc hội đã đồng ý cho phép thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của cả nước tại Đà Nẵng, mở đường cho việc sau đó Hải Phòng được phép thành lập khu thương mại tự do với nhiều cơ chế và chính sách vượt trội hơn.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng các cơ chế tương tự như khu thương mại tự do Hải Phòng, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, việc Đà Nẵng được đặt vào vị trí tiên phong trong nhiều chính sách đột phá không chỉ phản ánh sự tin tưởng của Trung ương mà còn là cơ hội hiếm có để thành phố bứt phá, khẳng định vai trò đầu tàu phát triển mới của miền Trung và cả nước.

Những quyết sách lớn từ Kỳ họp thứ 9 sẽ không chỉ định hình lại chân dung hành chính – kinh tế của Đà Nẵng trong tương lai gần mà còn đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực điều hành, tư duy quản trị và tinh thần dấn thân của đội ngũ lãnh đạo thành phố trong giai đoạn mới.

Trang Trần

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/da-nang-vao-tam-diem-chien-luoc-tai-chinh-quoc-te-484764.html