Đô la Mỹ suy yếu trên thị trường quốc tế, tỷ giá vì sao vẫn lầm lũi đi lên?

Quyết định tạm hoãn thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vòng 90 ngày sẽ hết hạn vào ngày 9-7-2025. Đây sẽ là tâm điểm của các thị trường trong những ngày tới, có lẽ cũng là lý do khiến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chịu áp lực không nhỏ trong những ngày gần đây.

Đô la Mỹ suy yếu trên thị trường quốc tế nhưng tỷ giá vẫn tăng. Ảnh: TL

Đô la Mỹ suy yếu trên thị trường quốc tế nhưng tỷ giá vẫn tăng. Ảnh: TL

Ngược pha

Chỉ số USD Index tiếp tục rớt 2,6% trong tháng 6-2025, đáng dấu tháng thứ 6 giảm liên tiếp, hiện xuống vùng thấp nhất trong ba năm qua tại 96,8 điểm. So với mốc đỉnh cao 110 điểm đầu năm 2025, chỉ số đo lường sức mạnh của đô la Mỹ này đã giảm đến 12%.

Theo khảo sát gần đây của Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF), đô la Mỹ đã rơi từ vị trí đồng tiền được ưa chuộng nhất năm ngoái xuống vị trí thứ 7 hiện nay. Một phần ba trong số 75 ngân hàng trung ương được khảo sát (quản lý khoảng 5.000 tỉ đô la Mỹ dự trữ) cho biết sẽ tăng nắm giữ vàng trong 1-2 năm tới, trong khi các nhà đầu tư ngoài nước Mỹ đang dẫn đầu xu hướng thoái vốn khỏi tài sản định giá bằng đô la Mỹ. Trái ngược với đà suy yếu của đô la Mỹ, euro và nhân dân tệ đang nổi lên như những lựa chọn thay thế hàng đầu.

Bất chấp sự suy yếu của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn lầm lũi đi lên trong thời gian qua. Tỷ giá trung tâm sau khi tăng 141 đồng trong tháng 5, tháng 6 tăng thêm 74 đồng, nâng mức tăng lũy kế trong nửa đầu năm 2025 lên 717 đồng, tương đương tăng 2,95%, hiện ở mức 25.052 đồng/đô la tính đến ngày 30-6-2025. Giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng cũng tăng xấp xỉ 100 đồng trong tháng 6 và tăng 700-750 đồng so với đầu năm, tương đương tăng 2,9%. Trong khi đó, giá đô la Mỹ tự do tăng 150 đồng trong tháng 6 và tăng 680 đồng so với đầu năm, tương đương tăng 2,6%.

Trước tình hình này, tiền đồng trở nên mất giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể, theo bảng tính tỷ giá chéo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền đồng đã giảm giá 15-16% so với euro, franc Thụy Sỹ, real Braxin, đồng curon Na Uy, curon Đan Mạch; giảm 12% so với yen Nhật, bảng Anh; giảm 9-10% so với đô la New Zealand, đô la Singapore, ringgit Malaysia, baht Thái, won Hàn Quốc và giảm 5% so với nhân dân tệ Trung Quốc.

Nguyên nhân

Đầu tiên, việc Việt Nam có nguy cơ nằm trong nhóm bị Mỹ đánh thuế đối ứng cao nhất đã góp phần gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong suốt thời gian qua. Dù phía Việt Nam đã tích cực đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tốt hơn, nhưng khả năng thuế suất đánh lên hàng hóa Việt Nam vào Mỹ sẽ khó có thể trở lại mức thấp như trước. Điều này không chỉ tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điểm tích cực là xu hướng tiền đồng mất giá thời gian qua phần nào hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực của các hàng rào thuế quan.

Trong khi nguồn cung ngoại tệ có nguy cơ bị thu hẹp, lực cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá lớn. Số liệu cho thấy Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã mua gần 1,9 tỉ đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Theo Công ty Chứng khoán VDSC, việc mua đô la Mỹ liên tục của KBNN khiến trạng thái ngoại tệ của hệ thống giảm đáng kể so với đầu năm, còn khoảng 750 triệu đô la Mỹ tại thời điểm giữa tháng 6-2025. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao, khi nhiều doanh nghiệp trong nước tranh thủ nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu trước rủi ro xung đột quân sự và địa chính trị có thể lại làm đứt gãy, tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cũng làm tăng nhu cầu tích trữ đô la Mỹ để thực hiện các hoạt động giao dịch ăn chênh lệch lãi suất. Ngày 23-6-2025, lãi suất qua đêm tiền đồng giảm sâu xuống 1,62%/năm - mức thấp kỷ lục kể từ tháng 3-2024, khiến cho chêch lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng kỳ hạn qua đêm giảm về mức tương đương giai đoạn tháng 9-2024. Trước tình thế này, ngày 24-6-2025 nhà điều hành đã phát hành tín phiếu trở lại sau hơn ba tháng tạm dừng.

Kể từ đó đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã liên tục tăng trở lại, và phiên ngày 30-6-2025 vừa qua chứng kiến lãi suất qua đêm tăng vọt lên mức 7,6%/năm, tăng 6% chỉ trong vòng một tuần, trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản hệ thống thường tăng mạnh vào giai đoạn cuối quí - trước thời điểm chốt báo cáo tài chính của các ngân hàng. Hệ quả là NHNN đã bơm ròng hơn 52.904 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng trong ngày 30-6, sau khi đã đã bơm ròng 39.858 tỉ đồng trong tuần trước, tập trung vào hai phiên ngày 26 và 27-6. Lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng mạnh giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng, góp phần giảm áp lực lên tỷ giá.

Dự báo

Quyết định tạm hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hết hạn vào ngày 9-7-2025. Đây sẽ là tâm điểm của các thị trường trong những ngày tới, có lẽ cũng là lý do khiến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước chịu áp lực không nhỏ trong những ngày gần đây. Một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ với thuế suất nếu hợp lý - kịch bản đang được kỳ vọng lớn nhất, sẽ phần nào dỡ bỏ những lo ngại cho thị trường ngoại hối.

Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng 7 này cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ, sau hơn nửa năm tạm ngừng vì lo ngại áp lực lạm phát trở lại. Điều này sẽ góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng, dòng vốn quốc tế có thể đảo chiều, góp phần giảm bớt áp lực tỷ giá và hỗ trợ cân đối vĩ mô

Dù vậy, phần lớn dự báo cho rằng xu hướng đi lên của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2025, khi cân đối cung - cầu ngoại tệ vẫn sẽ căng thẳng. Công ty Chứng khoán VDSC lưu ý thặng dư thương mại đã giảm dần trong các tháng gần đây, còn dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển khi câu chuyện thuế quan rõ ràng hơn và áp lực tăng trưởng sẽ dẫn đến việc thúc đẩy tín dụng và đầu tư công; từ đó quan ngại rằng kỳ vọng lạm phát tăng trong tương lai có thể khiến nhu cầu tích trữ đô la Mỹ gia tăng.

Còn Công ty Chứng khoán VPBankS nhận định dù Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhưng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn sẽ gặp nhiều áp lực từ những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu và những điều chỉnh liên tục trong chính sách thương mại quốc tế. NHNN dù áp dụng chính sách linh hoạt kết hợp can thiệp kịp thời qua các phiên bán ngoại tệ kỳ hạn để ổn định thị trường, nhưng nhu cầu nhập khẩu vào mùa cao điểm, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thực sự vững chắc và nguy cơ suy yếu cán cân thương mại sẽ khiến tiền đồng khó tránh khỏi sức ép mất giá.

Trong một diễn biến khác, ông Paulo Medas - Trưởng đoàn Điều IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gần đây nhận định rằng Việt Nam nên kiên định tập trung vào neo giữ kỳ vọng lạm phát. Việc cho phép tỷ giá biến động linh hoạt sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nền kinh tế điều chỉnh để thích ứng với cú sốc từ bên ngoài. Có thể cân nhắc nới lỏng tiền tệ ở mức độ nào đó trong trường hợp lãi suất toàn cầu giảm như dự kiến và lạm phát giảm.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/do-la-my-suy-yeu-tren-thi-truong-quoc-te-ty-gia-vi-sao-van-lam-lui-di-len/