Vườn cúc họa mi trái mùa nằm trong khuôn viên Trung tâm Công nghệ sinh học, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng.
Tiến sĩ Nguyễn Quyết - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học cho biết, ngành Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, trong đó có đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên của trung tâm nỗ lực đưa cúc họa mi từ xứ lạnh về trồng tại Đà Nẵng từ năm 2019.
Tiến sĩ Nguyễn Quyết bên những luống cúc họa mi vừa nở sau tiết lập Xuân. Anh chia sẻ: “So với những vụ hoa các năm trước, cúc họa mi năm nay nở đều và đẹp hơn bởi thời tiết thuận lợi”.
Cúc họa mi có tên khoa học là Matricaria Chamomilla, thuộc họ Asteraceae. Loài hoa này thường chỉ nở vào cuối thu và đầu đông (tháng 10-11 Dương lịch) và vốn sinh trưởng ở khí hậu lạnh như Hà Nội hay Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, cúc họa mi vẫn phát triển trong điều kiện thời tiết trái mùa sau Tết Nguyên đán, trở thành điểm đến thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan, check-in.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quyết, Trung tâm Công nghệ sinh học rất mong muốn và sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật gieo trồng hoa cúc họa mi cho người nông dân nhằm nhân rộng và phát triển mô hình.
Vườn cúc họa mi có diện tích khoảng 500m2 với nhiều luống họa mi mọc dày, hoa nở đều và đẹp.
Bên cạnh cúc họa mi, Trung tâm Công nghệ sinh học cũng gieo trồng gần 200m2 hoa cánh bướm để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách.
Em Lê Bảo Ngọc (phải), học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến thích thú khi theo chân mẹ đến tham quan, chụp ảnh ở vườn hoa từ sáng sớm.
Vườn hoa mở cửa đón khách trong thời gian 3 tuần kể từ ngày 11/2. Đây cũng là thời gian hoa cúc họa mi bung nở đến khi tàn.
Tại vườn hoa, người dân và du khách có thể mua hoa mang về với giá bán từ 20 nghìn đồng/cây cúc họa mi; từ 60 nghìn - 100 nghìn đồng/1 chậu cúc họa mi hoặc 50 nghìn đồng/chậu hoa cánh bướm.
Đoàn Lê