Đà Nẵng xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi tại phường Quảng Phú
Ngày 16/7, ông Nguyễn Minh Nam, Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng cho biết, địa phương đã tiến hành khoanh vùng, dập dịch tại nơi bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại một số nơi trên địa bàn.
Theo ông Nam, ngày 10/7, phường Quảng Phú nhận được thông tin báo có lợn chết do dịch bệnh tại hộ bà Nguyễn Thị Đào, trú khối phố Ngọc Mỹ. Qua kiểm tra lâm sàng, nghi vấn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm chẩn đoán bệnh và tiến hành tiêu hủy con lợn bệnh.

Xử lý tiêu hủy ổ dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn phường Quảng Phú.
Đến ngày 11/7, lực lượng chức năng tiếp tục nhận được thông tin báo có 2 con lợn bị chết ở khối phố Phú Quý và Ngọc Mỹ. Ngoài ra, hộ ông Nguyễn Thế Chánh ở tổ 3, khối phố Ngọc Mỹ với tổng đàn 25 con lợn có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh sốt cao, bỏ ăn ủ rủ, da xuất huyết đỏ ửng. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu và hướng dẫn tiếp tục chăm sóc.
Ngày 14/7 địa phương nhận được phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số của Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm Thú y Trung ương II cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi của ba mẫu bệnh phẩm lợn ngày 11/7.

Lấy mẫu bệnh phẩm dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn của các hộ dân.
Sau khi nhận được thông tin trên, chính quyền phường Quảng Phú đã hướng dẫn các hộ xử lý vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi khu vực chuồng và xung quanh vườn, khuyến cáo tuyệt đối không tái đàn trong thời gian tới.
Đồng thời, phường tổ chức công tác dập dịch khẩn cấp. Theo đó, vận động và tiêu hủy đàn lợn bệnh còn lại của hộ bà Nguyễn Thị Đào và hộ ông Nguyễn Thế Chánh tại khối phố Ngọc Mỹ, với số lượng 28 con. Các đơn vị cùng hộ dân thực hiện vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu vực sau tiêu hủy, đảm bảo môi trường an toàn, không để tồn lưu mầm bệnh.
Chủ tịch UBND phường Quảng Phú cho hay, phường đã chỉ đạo rà soát, nắm lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn, rà soát tổng đàn lợn tại các khối phố. Địa phương cũng tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, lợn chết bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, cử cán bộ thú y phường thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, đồng thời báo cáo lãnh đạo để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành.