Nhiều người tử vong vì bệnh dại do không tiêm vaccine
Khi được đưa vào nhập viện, nam tài xế ở Bắc Ninh có biểu hiện kích động, hốt hoảng, tăng tiết đờm dãi, mắt đỏ, tai thính. Theo bác sĩ, đây là triệu chứng điển hình của bệnh dại thể hung dữ.
Thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận nhiều trường hợp vào nhập viện với biểu hiện của bệnh dại, trong đó có những trường hợp bị chó cắn nhiều lần nhưng đều chủ quan không tiêm vaccine phòng dại. Khi lên cơn dại, 100% bệnh nhân không còn phương pháp cứu chữa.
Điển hình là trường hợp ông Đ.H.B (62 tuổi, làm nghề lái xe, trú tại Bắc Ninh) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15/7.
Ông B từng nhiều lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng dại. Cách đây gần 3 tháng, ông bị chó nhà hàng xóm cắn vào mặt ngoài cẳng chân phải nhưng không tới cơ sở y tế để xử trí hay tiêm phòng dại. Con chó được theo dõi khoảng 10 ngày, sau đó xuất hiện biểu hiện hung dữ và bị gia chủ bán đi.
Khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, ông B đột ngột xuất hiện tình trạng kích thích, hoảng loạn, ăn uống kém, cảm giác nghẹn họng, sợ nước và sợ gió. Tại bệnh viện tuyến dưới, ông được chẩn đoán mắc bệnh dại và lập tức chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện bệnh nhân đang được theo dõi sát và chờ kết quả xét nghiệm khẳng định mắc bệnh dại, tuy nhiên dựa trên biểu hiện lâm sàng, tiền sử bị chó có biểu hiện nghi dại cắn, các bác sĩ chẩn đoán có thể ông đã mắc bệnh dại.

Chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường.
Cách đây 4 ngày, một bé trai 13 tuổi ở Đắk Lắk qua đời do bệnh dại vì từng nhiều lần bị chó cắn nhưng không được người nhà đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh.
Ngày 10/7, thiếu niên xuất hiện triệu chứng sốt, mệt, đau đầu, sợ nước, sợ gió. Sau khi uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không đỡ, gia đình đưa em đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại bệnh viện, em được chẩn đoán bị viêm não, theo dõi bệnh dại.
Sau đó gia đình xin chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị. Đến 22h30 ngày 12/7, khi bệnh nhân đã lên cơn dại, gia đình xin đưa về nhà. Em qua đời lúc 23h cùng ngày trên đường về lại Đắk Lắk.
Theo người nhà, cách đây 2 năm, thiếu niên này bị một con chó nuôi cắn vào vùng cổ, sau đó con chó bị giết thịt và em không đi tiêm phòng bệnh dại.
Tiếp theo, khoảng 2 tháng trước, em tiếp tục bị chó nuôi cắn vào tay nhưng cũng không đi tiêm phòng bệnh dại.
Trước khi nhập viện khoảng 10 ngày, em lại bị chó cắn nhưng không thông báo với gia đình nên không được đưa đi tiêm phòng bệnh dại. Gia đình không rõ con chó nào cắn và bị cắn ở đâu. Cách nhà em khoảng 50m có một con chó chết không rõ nguyên nhân, nghi đây là con đã cắn em.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đây là ca tử vong nghi do dại thứ 6 tại tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay.
Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 80 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp nghi dại và tử vong do bệnh dại tại 19 tỉnh, TP, giảm 5 trường hợp so với cùng kì năm 2024 (47 trường hợp).
Những tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong đều là tỉnh có bệnh dại lưu hành nhiều năm. Gia Lai là tỉnh có số ca tử vong cao nhất khu vực Tây Nguyên liên tiếp qua các năm. Tỉnh Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng) là điểm nóng về bệnh dại mới nổi, trong năm 2024 đến tháng 5/2025, đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân các trường hợp tử vong do bệnh dại là khi bị chó, mèo cắn đã không tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Một số người vẫn còn e ngại tiêm vaccine vì sợ “độc” hay tác dụng phụ, khi bị chó, mèo cắn đã đi đắp thuốc lá, hoặc chỉ rửa, sát khuẩn vết thương ngoài da. Điều này đã gây ra nhiều cái chết thương tâm khi bị nhiễm bệnh dại.
Theo BS Nguyễn Nguyên Huyền – Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tất cả vaccine phòng dại lưu hành đều đã qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và khả năng sinh miễn dịch, không chứa virus sống gây bệnh và hoàn toàn an toàn khi tiêm đúng liều, đúng lịch. Sự chần chừ sau phơi nhiễm có thể khiến người bệnh đánh mất cơ hội sống duy nhất.
"Bệnh dại không có cơ hội thứ hai. Một mũi tiêm kịp thời có thể cứu cả cuộc đời – đừng để sự chủ quan phải trả giá bằng tính mạng", BS Huyền cảnh báo.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nhieu-nguoi-tu-vong-vi-benh-dai-do-khong-tiem-vaccine--i774976/