Đà phục hồi của Eurozone chững lại khi lĩnh vực dịch vụ 'mất đà'

Eurozone hầu như không tăng trưởng trong tháng 4, dịch vụ chững lại, sản xuất phục hồi, lạm phát hạ nhiệt thắp hy vọng ECB sớm giảm lãi suất.

Tăng trưởng của Eurozone hầu như không nhích lên trong tháng 4 khi lĩnh vực dịch vụ trì trệ, bất chấp sự phục hồi bất ngờ của ngành sản xuất. Lạm phát hạ nhiệt làm dấy lên hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất, nhưng nhu cầu yếu và niềm tin sụt giảm vẫn phủ bóng lên triển vọng.

Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) do S&P Global công bố cho khu vực Eurozone đã nhích lên nhẹ, đạt 50,1 trong tháng 4 - mức kỹ thuật cho thấy tăng trưởng, nhưng chỉ vừa đủ. Con số này được điều chỉnh tăng so với mức ban đầu 49,7, phản ánh một nền kinh tế đang chật vật để nối tiếp đà từ quý đầu năm.

Ở trung tâm của sự mở rộng chậm chạp này là sự phân hóa giữa các lĩnh vực. Sản lượng ngành sản xuất tăng nhanh nhất trong hơn hai năm, nhờ chuỗi cung ứng cải thiện và hoạt động công nghiệp phục hồi.

Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ - động cơ chính của nền kinh tế khối - hầu như không tăng trưởng, khi PMI Dịch vụ giảm xuống 50,1 từ mức 51,0 của tháng 3. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2024, cho thấy nhu cầu trong các ngành du lịch, khách sạn và dịch vụ doanh nghiệp đang suy yếu.

Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, nhận định bức tranh tổng thể vẫn ảm đạm: "Lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm vai trò chủ lực, hầu như đứng yên trong tháng 4. Dù sản xuất ghi nhận cú bật bất ngờ nhưng điều đó vẫn không đủ để ngăn đà giảm tốc tổng thể".

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Chanverrie. (Ảnh: Reuters)

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Chanverrie. (Ảnh: Reuters)

Nhu cầu yếu, niềm tin suy giảm

Đằng sau các con số chính là bức tranh đáng lo ngại. Đơn hàng mới giảm tháng thứ 11 liên tiếp và thậm chí giảm nhanh hơn so với tháng 3. Cả nhà sản xuất hàng hóa lẫn nhà cung cấp dịch vụ đều ghi nhận doanh số yếu, tiếp nối xu hướng nhu cầu mềm đã kìm hãm tăng trưởng từ giữa năm 2023.

Pháp tiếp tục nổi bật… theo hướng tiêu cực, khi chỉ số PMI tổng hợp của nước này báo hiệu suy thoái tháng thứ tám liên tiếp. Nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone vẫn sa lầy trong bất ổn chính trị và đình trệ, trái ngược với các kết quả khả quan hơn ở Tây Ban Nha, Ý và Đức.

"Tây Ban Nha đang dẫn đầu về tăng trưởng, tiếp theo là Ý, rồi đến Đức với mức tăng nhẹ, còn Pháp tụt lại phía sau", ông de la Rubia nói. "Chúng tôi dự đoán Đức sẽ sớm vượt Ý nhờ gói tài khóa hào phóng, trong khi Pháp có lẽ vẫn ở vị trí cuối bảng trong thời gian tới".

Về việc làm, toàn khối ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp tăng nhẹ, nhờ số lượng nhân viên dịch vụ tăng bù cho sự sụt giảm dai dẳng trong sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng khi mở rộng lực lượng lao động, phản ánh sự dè dặt giữa bối cảnh bất ổn kinh tế kéo dài.

Niềm tin vào tương lai cũng chịu cú giáng. Kỳ vọng kinh doanh trong năm tới giảm xuống mức thấp nhất gần hai năm rưỡi, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp, cho thấy nhu cầu yếu và bất ổn địa chính trị đang đè nặng lên tâm lý thị trường.

ECB có thêm không gian nhờ lạm phát hạ nhiệt

Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn có chút tia sáng hy vọng. Áp lực giá tiếp tục dịu lại trong tháng 4, với lạm phát chi phí đầu vào ở mức thấp nhất 5 tháng và giá bán ra tăng chậm nhất từ đầu năm 2025 đến nay. Điều này có thể củng cố thêm lập luận của ECB cho một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6.

"Ở lĩnh vực dịch vụ, áp lực chi phí vẫn khá cao, nhưng đã giảm đôi chút trong vài tháng gần đây", ông de la Rubia nói. "Lạm phát đang giảm ở giá bán và tiếp tục xu hướng đi xuống… Những số liệu mới nhất này dường như củng cố quan điểm của ECB".

Với lạm phát giảm tốc và tăng trưởng vẫn mờ nhạt, thị trường đang ngày càng đặt cược vào một đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tới của ECB.

Thị trường hạ nhiệt sau đợt tăng tháng 4

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Eurozone giảm điểm hôm thứ Ba sau chuỗi tăng mạnh trong những tuần gần đây. Chỉ số Euro STOXX 50 giảm 1%, chỉ số DAX của Đức mất 0,7%, còn CAC 40 của Pháp giảm 0,5%.

Các tập đoàn công nghiệp nằm trong nhóm giảm mạnh. Airbus, Siemens và BASF đều mất khoảng 2%; trong khi Carrefour và UniCredit vượt trội, cùng tăng 0,8%.

Các tin tức về lợi nhuận cũng làm gia tăng biến động. Cổ phiếu Continental tăng gần 2% sau khi công bố doanh số mạnh nhất trong bốn năm, khẳng định vị thế vững chắc giữa lúc bất ổn thuế quan kéo dài.

Hãng sản xuất tuabin gió Đan Mạch Vestas tăng vọt 4% sau khi trở lại có lãi trong quý I. Hugo Boss tăng gần 6% nhờ doanh thu vượt dự báo, trong khi Philips giảm 1% sau khi hạ triển vọng biên lợi nhuận cả năm. Ferrari dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh vào cuối ngày thứ Ba.

Lê Anh (Theo Euronews, Sharecast)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/da-phuc-hoi-cua-eurozone-chung-lai-khi-linh-vuc-dich-vu-mat-da-204250507154237767.htm