Đa số ủng hộ Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và ủng hộ việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 26-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với phương án Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết tại khoản 4 Điều 80 dự thảo luật, giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở cho đoàn viên, nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này, đa số đồng tình với phương án 1 cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở.
Theo ĐB Thái Quỳnh Mai Dung, mặc dù còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện đã được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên hiện nay công nhân và người lao động mong chờ Quốc hội tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc này để công đoàn có thể thực hiện tốt hơn vấn đề này.
Góp ý về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư, bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 dự thảo luật có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng công nhân, người lao động.
Vì vậy, nữ ĐBQH cho rằng chỉ nên quy định "các dự án nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê". Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
Trình bày báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến đại biểu phát biểu có đề cập vấn đề này đều ủng hộ, một số ý kiến khác cũng băn khoăn. Về cơ bản cả hai loại ý kiến này đều đồng tình và ủng hộ việc Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở, chỉ có phương thức thực hiện như thế nào thì đang còn khác nhau.
"Tinh thần chung là chúng ta đều ủng hộ Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện vai trò chức năng rất quan trọng thế này để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là quyền lợi an sinh về nhà ở" - ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ có báo cáo lại các đại biểu, trong trường hợp quy định vấn đề này trong Luật Nhà ở thì phải có sự sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để có những quy định chặt chẽ.