Đặc sắc di sản trống đồng cổ Hòa Bình
Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, hưởng ứng Tuần Văn hóa - du lịch tỉnh lần thứ nhất, năm 2019, trong những ngày đầu tháng 11, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề 'Trống đồng cổ tỉnh Hòa Bình'. Thời gian trưng bày 1 tháng, người dân TP Hòa Bình và du khách có thể ghé thăm gian trưng bày để chiêm ngưỡng những chiếc trống đồng quý giá, di vật tượng trưng cho buổi bình minh của lịch sử dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trống đồng không chỉ có ở nước ta mà còn có ở nhiều nước khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và phía Nam Trung Quốc. Ở nước ta, trống đồng xuất hiện vào thời kỳ cực thịnh của nhà nước Văn Lang. Hồn cốt của trống đồng hội tụ hồn thiêng sông núi, tích tụ những tinh hoa trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Bởi vậy, từ muôn đời nay, trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hóa Việt Nam. Theo phân loại của nhà khảo cổ học người Áo Franz Heger, trống đồng được chia làm 4 loại, đặt tên theo thứ tự: trống Heger I, II, III, IV.
Hiện, ở nước ta đã tìm thấy trên 1.000 chiếc trống đồng cổ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Riêng tỉnh Hòa Bình đã phát hiện trên 100 chiếc trống đồng cổ các loại, đứng thứ 2 trong cả nước về số lượng trống đồng cổ được tìm thấy, sau tỉnh Thanh Hóa. Trống đồng cổ ở Hòa Bình chủ yếu là trống loại Heger II (chiếm trên 90%) với các nhóm sớm muộn khác nhau, có niên đại kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII.
Trống đồng cổ được phát hiện ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Một số trống được tìm thấy trong các ngôi mộ Mường cổ, còn lại chủ yếu phát hiện khi nhân dân đào mương, làm nhà, làm đường… Đối với người Mường, trống đồng đã đi vào huyền thoại từ thời "Đẻ đất, đẻ nước”. Trống đồng Heger II là một cổ vật thiêng liêng, biểu trưng cho quyền lực và sự giàu sang của các quan lang xứ Mường. Xưa kia, trống đồng chỉ sử dụng trong những dịp lễ lớn, lễ trọng của nhà lang. Ngoài ra, còn là công cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, dùng trong tang lễ và là tiếng trống xung trận trong chiến đấu.
Đợt trưng bày lần này, Bảo tàng tỉnh giới thiệu gần 200 tài liệu hiện vật gốc khối, gốc hình để tạo cái nhìn tổng thể cho người xem và có mong muốn tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị, nội dung họa tiết hoa văn trang trí trên chiếc trống. Thông qua việc trưng bày nhằm góp phần tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Một mặt, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa, tự tôn dân tộc trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Thăm quan gian trưng bày trống đồng, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) tìm hiểu về nguyên liệu và cách thức làm trống đồng của người xưa; so sánh trống đồng được tìm thấy ở các vùng, miền trong tỉnh, các em mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn nữa những chương trình ngoại khóa để tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa các dân tộc của tỉnh Hòa Bình.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/135245/dac-sac-di-san-trong-dong-co-hoa-binh.htm