Đặc sắc Lễ hội đền Đông Cuông năm 2024
Chiều 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại sân Trung thiên và Đền chính đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái, nghi lễ dâng hương và Lễ cúng tiệc chiều truyền thống tại Lễ hội đền Đông Cuông Xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức trang trọng.
Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức đặc biệt là Lễ tế trâu ngay trước sân đền. Nghi thức này vừa mang đậm tính tâm linh truyền thống, thể hiện rõ tập tục của người Tày khao. Ngay sau Lễ tế trâu và Lễ dâng chúc văn buổi sáng sớm của ngày Mão tháng Giêng là Lễ rước Mẫu sang sông.
Đây là một trong những lễ chính của Lễ hội đền Đông Cuông, diễn ra vô cùng trang nghiêm. Khi rước Mẫu sang sông, chiếc thuyền lớn quay trở về cũng là lúc dâng hương tế Mẫu. Thầy Mo tiến hành các nghi lễ cúng chính tiệc để cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, cuộc sống hạnh phúc.
Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, thông qua Lễ hội, huyện Văn Yên mong muốn tiếp tục mở rộng quảng bá hình ảnh Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Đông Cuông đến với du khách thập phương, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo, góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Ở đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau.
Ngoài thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt, có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn.
Tiệc chiều dâng lên Mẫu gồm có lễ chay và lễ mặn. Lễ chay gồm hoa quả, bánh khảo, oản... Lễ mặn gồm xôi, thịt lợn, thịt gà... Thầy Mo đốt 12 nén nhang, khấn cúng. Thầy Mo là người cao tuổi, hiểu biết về các tục hèm, lời khấn bằng tiếng Tày, đảm đương vai trò là "cầu nối" giữa thần linh và cộng đồng trong dịp hội...
Đã từ lâu, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo. Nét đẹp và sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa vùng miền trong Lễ hội đền Đông Cuông được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự lưu truyền này không chỉ thể hiện trong những hoạt động lễ hội mà còn nằm trong chính tâm thức của mỗi người dân nơi đây.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại, có sức sống lâu bền trong nhân dân. Năm 2023, Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sau phần lễ sẽ là phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như: Triển lãm ảnh nghệ thuật có chủ để "Đất và người Văn Yên"; tái hiện lại không gian văn hóa phiên chợ quê; các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian…