Đặc sắc mâm cơm cúng tất niên của 3 miền

Một trong những phong tục lâu đời của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán là chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và văn hóa vùng miền, mâm cơm cúng tất niên tại 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ có những điểm riêng biệt.

Những ngày cuối năm, những gia đình Việt thường tổ chức lễ cúng tất niên. Đây là nghi thức tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong năm, do đó cần có sự chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu và trang trọng. Mâm cúng tất niên không chỉ là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, thần linh mà còn là dịp để mỗi gia đình cùng nhau tổng kết một năm đã qua, chia sẻ những thành tựu và rút kinh nghiệm từ những điều chưa làm được, cùng gác lại mọi lo toan, hướng tới một năm mới tràn đầy hy vọng và hạnh phúc. Theo quan niệm truyền thống, một gia đình có càng nhiều thế hệ cùng quây quần bên mâm cơm tất niên thì càng thể hiện sự phúc lộc và may mắn.

Một trong những điểm chung của mâm cúng tất niên tại 3 miền là hương và đèn, tượng trưng cho Mặt trời - Mặt trăng và sự kết nối âm - dương. Ngoài ra, món ăn trong mâm cúng tất niên thường có sự khác nhau giữa từng miền, điều này tạo nên sự đặc sắc trong văn hóa Việt Nam.

Những món ăn trong mâm cơm cúng ngày cuối năm của người miền Bắc thường không thể thiếu là thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế, móng giò hầm măng, bánh chưng, dưa hành... (Ảnh: Internet)

Những món ăn trong mâm cơm cúng ngày cuối năm của người miền Bắc thường không thể thiếu là thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế, móng giò hầm măng, bánh chưng, dưa hành... (Ảnh: Internet)

Theo phong tục của người miền Bắc, mâm cơm cúng tất niên phải đủ 4 bát, 4 đĩa đối với cỗ nhỏ; 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa với cỗ lớn. Trong mâm cỗ, bát và các đĩa thức ăn phải xếp cao 2 tầng. Đặc biệt, những món ăn trong mâm cơm cúng ngày cuối năm thường không thể thiếu là thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế, móng giò hầm măng, bánh chưng, dưa hành... Ngoài ra, các gia đình ở miền Bắc thường thêm một đĩa xôi gấc với mong ước cả năm có vận đỏ, may mắn ngập tràn hoặc thêm một số món tùy theo khẩu vị như thịt đông, nộm, gà tần...

Mâm cơm cúng của các gia đình miền Trung cũng có các món đặc sản không thể thiếu như bánh chưng/bánh tét, dưa món, giò lụa Huế, thịt gà trộn rau răm, chả Huế, giá chua, măng khô ninh, chả ram... (Ảnh: Internet)

Mâm cơm cúng của các gia đình miền Trung cũng có các món đặc sản không thể thiếu như bánh chưng/bánh tét, dưa món, giò lụa Huế, thịt gà trộn rau răm, chả Huế, giá chua, măng khô ninh, chả ram... (Ảnh: Internet)

Không yêu cầu về số lượng bát, đĩa như miền Bắc nhưng mâm cơm cúng của các gia đình miền Trung cũng có các món đặc sản không thể thiếu như bánh chưng/bánh tét, dưa món, giò lụa Huế, thịt gà trộn rau răm, thịt đông, chả Huế, thịt lợn, giá chua, măng khô ninh, miến Huế, chả ram.

Với đặc điểm thời tiết nắng nóng, người miền Nam thường chuẩn bị những món nguội cho mâm cơm tất niên (Ảnh: Internet)

Với đặc điểm thời tiết nắng nóng, người miền Nam thường chuẩn bị những món nguội cho mâm cơm tất niên (Ảnh: Internet)

Còn tại miền Nam, với đặc điểm thời tiết nắng nóng, người miền Nam thường chuẩn bị những món nguội cho mâm cơm tất niên. Mâm cơm cúng của các gia đình miền Nam thường có bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, canh măng, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, thịt lợn, dưa giá, chả giò (nem), củ kiệu.

Lễ cúng tất niên thường được tổ chức vào chiều ngày 30 Tết hoặc ngày 29 nếu tháng Chạp không đủ 30 ngày. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình đã linh hoạt hơn trong việc sắp xếp thời gian tổ chức tiệc tất niên để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Tuy nhiên, dù thời gian và cách thức tổ chức có thể thay đổi theo dòng chảy thời gian nhưng tinh thần của lễ cúng tất niên - sự đoàn viên, sum họp và tri ân vẫn luôn được gìn giữ và trân trọng. Đó là nét đẹp văn hóa, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, làm phong phú thêm di sản tinh thần của dân tộc Việt Nam.

T.T

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dac-sac-mam-com-cung-tat-nien-cua-3-mien-723520.html