Đặc sắc nét kiến trúc, mỹ thuật của chùa Bối Khê
Chùa Bối Khê - ngôi cổ tự có tuổi đời gần 700 năm là di tích hội tụ nhiều nét kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc, tiêu biểu ở nhiều thời kỳ.
Ngày 7/2 (tức ngày 10 tháng Giêng Ất Tỵ 2025) tới đây, TP Hà Nội sẽ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với chùa Bối Khê.
Chùa Bối Khê còn có tên chữ là “Đại Bi tự”, nằm trên địa bàn xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Di tích này được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 17/1/2025.
Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất ở vùng Bắc Bộ, với tuổi đời khoảng 700 năm. Chùa thờ Phật ở phía trước, thờ Đức Thánh Bối ở phía sau, một điển hình theo dạng thức "tiền Phật, hậu Thánh".
Đức Thánh Bối là nhân vật lịch sử tạo nên mối liên kết tôn giáo giữa chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian cách đó khoảng hơn 10km. Hai ngôi chùa đều thờ chung Thánh Bối. Cũng do thờ chung Thánh nên từ xưa, hai làng đã có tục "kết chạ" còn lưu giữ đến nay.
Tương truyền, chùa Bối Khê được khởi dựng từ thời Trần (năm 1338). Kiến trúc chùa theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: Đền Đức Ông, vườn tháp, Ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia - sắp lễ, chùa Phật, điện Thánh, nhà Tổ - nhà Mẫu và nhà khách.
Từ xa nhìn lại, trước cổng chùa là bãi đất rộng, nơi xưa kia tuyển quân sĩ, có cây đa, cây bồ đề cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trước chùa có vườn tháp gồm 5 ngôi mộ lưu giữ hài cốt, xá lị của các vị trụ trì qua các đời.
Cổng vào đầu tiên là Ngũ môn quan, đây là một điểm đặc biệt, ít gặp so với các ngôi chùa khác. Sau cổng Ngũ môn quan là chiếc cầu gạch bắc qua hồ nước nhỏ dẫn tới tam quan có hai tầng, tám mái, vừa làm cửa ra vào chùa Phật, vừa làm gác chuông. Trên gác chuông, có hai quả chuông từ thời nhà Trần, ghi lại việc thành lập chùa từ những năm đầu tiên.
Chùa Bối Khê hiện còn lưu giữ một thánh điện với nhiều tượng thờ, thể hiện rõ nét sự hòa nhập tôn giáo ở những ngôi chùa Bắc Bộ. Các pho tượng ghi chép trong văn bia trước thời Nguyễn hiện không còn, chỉ trừ hai pho tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay và Bà Hậu (thời Mạc) ở vị trí tôn chủ của Thượng điện.
Theo tài liệu cũ, chùa Bối Khê đã trải qua 8 đợt trùng tu lớn vào các đời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn. Nhiều mảng chạm khắc trang trí ở chùa còn lưu giữ dấu tích kiến trúc thời Nguyễn.
Có thể nói, chùa Bối Khê hội tụ nhiều nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu ở nhiều thời kỳ, do yếu tố trùng tu giữ lại những vật liệu và thừa kế nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật ở thời kỳ trước trong quá trình tôn tạo.
Chùa Bối Khê đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979. Ở chùa, hàng năm, lễ hội vào đầu mùa Xuân, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch).
Theo thông tin từ UBND huyện Thanh Oai, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê và lễ khai hội Xuân Ất Tỵ 2025 được tổ chức vào ngày 7/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Lễ hội chùa Bối Khê năm 2025 diễn ra từ ngày 7 - 9/2 2025 (tức ngày 10 - 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Trong lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm “Chùa Bối Khê - Những giá trị di sản vô giá”; trưng bày giới thiệu một số sắc phong, văn bia lưu trữ tiêu biểu về một số danh nhân sinh ra ở địa phương; triển lãm sinh vật cảnh; biểu diễn lân sư rồng; tổ chức giải bóng đá thanh niên, đồng diễn tập thể cùng nhiều trò chơi dân gian, hát quan họ, liên hoan văn nghệ…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-net-kien-truc-my-thuat-cua-chua-boi-khe-post332637.html