Đặc sắc phong tục vui đón Tết miền biên viễn
Cứ mỗi độ Xuân về, khi hoa đào, hoa mai nở rộ, khoe sắc trên khắp triền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng cao, biên giới của Tổ quốc lại nô nức chuẩn bị đón ngày Tết lớn nhất của năm. Mỗi dân tộc, vùng miền đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền, mang đậm nét văn hóa độc đáo. Hãy đến với miền biên viễn vào những ngày đầu Xuân để hòa mình vào không khí rộn ràng của quân và dân nơi đây với các phong tục riêng có, đồng thời, thưởng thức hương vị ẩm thực đầy tinh túy, mới lạ và cảm nhận tình người ấm áp nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc.
Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào Mông
Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, bà con dân tộc Mông ở vùng cao phía Bắc đón Tết cổ truyền theo lịch âm với tâm niệm, Tết là dịp để cả gia đình được nghỉ ngơi, sum họp và mời tổ tiên về vui Xuân, đón Tết với gia đình.
Một mùa Xuân mới lại về, quân và dân trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung và vùng biên viễn nói riêng với niềm tin và hy vọng vào những thắng lợi mới về mọi mặt sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, cùng nhau vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Tuy nhiên, khác với các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở một số tỉnh Tây Bắc có hai cái Tết quan trọng nhất trong năm, đó là: Tết Độc lập (diễn ra vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm) và Tết truyền thống (thường diễn ra vào đầu tháng Chạp). Cụ thể, Tết cổ truyền của người Mông diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng) và kéo dài trong suốt 3 ngày. Tết cổ truyền của người Mông ngày nay diễn ra ngắn gọn, văn minh chứ không còn tốn kém như trước.
Đặc biệt, người Mông không tổ chức đón giao thừa, họ quan niệm, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy từ sáng sớm để làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ việc cho lợn gà ăn đến nấu cơm, giặt giũ. Bởi họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Đây là một trong những phong tục, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Mông sinh sống ở khu vực phía Bắc.
Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài các loại thịt, bánh giầy là thực phẩm không thể thiếu để cúng tổ tiên và trời đất. Chính vì thế, những ngày Tết, nếu có dịp ghé chân tới bất kỳ một bản người Mông nào, âm thanh phổ biến, quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận là tiếng chày giã bánh giầy vang lên khắp nơi xen lẫn tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như tu lu (đánh cù), ném pao... Sau khi công việc làm bánh được hoàn thành, người Mông bày 6 cặp bánh giầy lên bàn thờ để cúng tổ tiên, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.
Một điều khá đặc biệt trong ngày Tết của người Mông, đó là thường mang các loại nông cụ lao động hàng ngày như cuốc, xẻng, cày, bừa... ra rửa sạch sẽ, sau đó dán lên từng nông cụ một mẩu giấy. Họ cho rằng, mỗi mảnh giấy đó là tờ thông báo cho những dụng cụ đã lao động vất vả trong năm qua được nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Đồng thời, họ cũng gửi gắm mong muốn nông cụ sau những ngày nghỉ Tết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới khi cùng gia chủ tham gia lao động, sản xuất. Những tục lệ trong ngày Tết cổ truyền được đồng bào Mông gìn giữ, lưu truyền nhiều đời nay và tạo thành văn hóa truyền thống chưa mai một, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc sắc hương vị Xuân Tây Nguyên
Tạm chia tay với vùng biên ải phía Bắc, chúng tôi về với những buôn làng trên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Trong nắng vàng óng ả, xen lẫn hơi lạnh ngọt lành của mùa khô Tây Nguyên, nhân dân các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, M'nông, Xê Đăng... trên vùng đất đại ngàn đang rộn ràng, hân hoan trong không khí Xuân về, Tết đến..
Vì nhiều dân tộc cùng sinh sống nên phong vị Tết cổ truyền ở Tây Nguyên cũng vì thế mà rất phong phú và đa dạng. Ngoài Tết Nguyên đán của người Kinh, các dân tộc ở Tây Nguyên còn có các Tết như: Tết cơm mới, Tết bỏ mả, Tết lúa, Tết nước, Tết lửa... Đây là những lễ hội sôi động, náo nhiệt nhất trong năm. Đơn cử như Tết bỏ mả là Tết của người Gia Rai, sinh sống nhiều nhất ở tỉnh Gia Lai. Lễ bỏ mả của họ giống như tục tảo mộ Tiết thanh minh của người Kinh ở dưới xuôi, là hình thức cúng viếng tổ tiên, tưởng niệm, sửa sang mồ mả những người thân đã mất.
Trong những ngày Tết bỏ mả, bà con trong buôn kéo nhau đến từng nhà để góp vui. Khi lễ bỏ mả bắt đầu, ngoài nghĩa địa vang lên tiếng cồng, chiêng, thanh la, trống. Mọi người kéo nhau về bên các nhà mồ, trên tay cầm đuốc cháy rực. Trước nhà mồ, người ta cắm một cây nêu treo bằng những lá bùa xanh đỏ, ông thầy cúng hoặc gia chủ lầm rầm khán vái Giàng, mong linh hồn người chết về chung vui cùng người thân đang sống. Ở khu nhà mồ, người ta tổ chức rượu cần, thịt, đốt lửa ăn uống, cồng chiêng, nhảy múa, vui chơi ca hát thâu đêm suốt sáng.
Đặc biệt, dân tộc Stiêng có Tết mừng lúa mới. Ngày Tết mừng lúa mới thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12 dương lịch năm trước đến tháng 1 năm sau. Lễ hội mừng lúa mới với ý nghĩa tạ ơn thần lúa đã mang đến mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho muôn vật, bình an cho gia đình và cả cộng đồng trong năm mới. Trong thời gian diễn ra Tết mừng lúa mới, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên. Phụ nữ ai cũng đeo hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn.
Các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và mổ trâu, bò, heo để thết đãi bà con buôn làng. Khi các lễ vật như thịt gà luộc, đầu heo, tố rượu cần, cơm lam, thúng lúa mới, cây nêu... được bố trí hoàn thành xong, người chủ lễ tiến hành các nghi thức khấn gọi mẹ lúa về nghỉ ngơi. Sau đó, mời gọi các vị thần linh (Yang): sông, suối, trời, đất... về để cảm ơn và thết đãi lễ vật, chủ lễ cầu khấn cho gia đình, cộng đồng có cuộc sống yên bình, no đủ.
Sau các nghi thức của lễ cúng trong nền nhạc cồng 5 chiếc, cùng tiết tấu trống lớn và chũm chọe nhịp nhàng, rộn ràng, sôi động, lúc này, trong trang phục truyền thống, những người phụ nữ bắt đầu múa hòa nhịp cùng tiếng cồng tạ ơn thần lúa, hình thành một vòng tròn múa quanh nơi đặt lễ cúng. Cao trào của lễ cúng mừng lúa mới là khi những động tác múa kết hợp với dâng lễ vật của chủ lễ, miệng hát những câu khấn nguyện... kết hợp nhóm múa với đội hình vòng tròn bên ngoài.
Những động tác múa khó như: vừa nhảy vừa cúi người thấp xuống dùng miệng lấy những nhánh lá, tiền giấy đặt dưới đất, ly rượu, quỳ ngồi, tay làm động tác qua phải, qua trái hoặc tham gia làm những động tác cùng nhóm múa... Kết thúc lễ hội mừng lúa mới, mọi người cùng thưởng thức vị dẻo thơm của cơm lam, vị ngọt của thịt heo nướng trui - món quà mà thần lúa đã ban tặng cho cộng đồng khi mùa Xuân mới đang về.