Đặc sắc Tết hoa mào gà của dân tộc Cống
ĐBP - Vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, khi vụ mùa đã xong đồng bào dân tộc Cống lại rộn rã tổ chức lễ hội truyền thống 'Mền loóng phạt ái' (Tết hoa mào gà). Đây là tết cổ truyền, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần của đồng bào dân tộc Cống. Bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) là nơi đồng bào dân tộc Cống sinh sống tập trung rộn ràng tổ chức Tết hoa mào gà.
Đối với dân tộc Cống, hoa mào gà có ý nghĩa rất đặc biệt - tượng trưng cho dịp tết đến xuân về. Màu đỏ của hoa mào gà còn biểu trưng cho tiền tài, may mắn, sự ấm áp, sung túc của mỗi gia đình. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, hoa mào gà còn là cầu nối tâm linh giữa các thành viên trong gia đình và những người đã khuất. Chính vì vậy, khi công việc thu hoạch mùa màng đã xong, đồng bào dân tộc Cống lại háo hức, tất bật chuẩn bị lễ vật cần thiết cho Tết hoa mào gà. Bà con dân tộc Cống quan niệm, nếu Tết hoa mào gà chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, rẫy, đào củ mài và vui chơi ca hát.
Tết hoa mào gà được chia hai phần, phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các gia đình sẽ tự tổ chức cúng tại nhà, nhà thầy mo sẽ là gia đình cúng cuối cùng trong bản. Kết thúc lễ cúng của gia đình, thầy mo sẽ đại diện dân bản cúng chung cho cả bản, cầu mong một năm mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong bản làm ăn tốt, không ốm đau, bệnh tật.
Khi cúng lễ chung cho cả bản gần xong, đội văn nghệ của bản sẽ nhảy múa, hát ca trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Vừa hát múa, họ vừa ném những hạt thóc, hạt ngô giống ra không gian xung quanh với mong ước bản làng sang một năm mới vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt nảy nở như trận mưa hạt giống.
Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng các trò chơi truyền thống như: đánh cù, kéo co, đi cà kheo, bắn nỏ, sau đó là vòng xòe truyền thống thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Cống.
Hoa mào gà biểu tượng của sự ấm áp, no đủ của đồng bào dân tộc Cống.
Những bông hoa mào gà được bàn tay khéo léo của phụ nữ bện thành từng vòng hoa đội đầu chuẩn bị cho tết chung của bản.
Người dân đi ngắt các loại hoa khác nhau được cắm chung vào những lỗ trên tre nứa chuẩn bị cho lễ cúng chung của bản.
Thầy mo trong bản sẽ là người cúng sau cùng trong các hộ gia đình của đồng bào dân tộc Cống.
Số bát gạo, trứng cùng nến trong mâm cúng thể hiện số người trong gia đình sẽ được cúng giải hạn.
Thầy mo làm lý giải hạn, cầu phúc cho từng thành viên trong gia đình.
Thầy mo đại diện cộng đồng dân tộc Cống làm lễ cúng cầu bình an cho cả bản.
Vừa làm lễ kèm theo đó là tiếng trống, chiêng báo hiệu nghi lễ chuẩn bị kết thúc, một năm cũ đã qua một năm bình an đang đến, những hạt thóc được rắc còn dính trên trang phục các thiếu nữ như thể hiện sự ấm no, tươi mới và sung túc của bản làng.
Ngoài phần lễ, cộng đồng dân tộc Cống còn tổ chức các trò chơi truyền thống như kéo co, tù lu, đi cà kheo,…
Khi đã hết phần hội mọi người tổ chức ăn uống, trong tiếng trống rộn rã bà con hòa mình vào vòng xòe đoàn kết truyền thống.