Đặc sắc 'Vũ điệu Bách Long' tại Hội Xuân Giáp Thìn 2024
Triển lãm 'Vũ điệu Bách Long' với 100 sản phầm hình rồng đặc sắc tại Hội Xuân Giáp Thìn 2024 khai mạc chiều ngày 26/1 thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô.
Hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 26/1-1/2 giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của cộng đồng 54 dân 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời là địa chỉ mua sắm, vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân Thủ đô trong dịp Tết.
Trong khuôn khổ Hội Xuân, Triển lãm gốm phù điêu “Vũ điệu Bách Long” đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Triển lãm do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Hiệp hội UNESCO Hà Nội tổ chức.
“Vũ điệu Bách Long” trưng bày 100 sản phẩm gốm của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên (Hải Phòng); các tác phẩm mang hình dáng rồng bay lượn hay gắn kết trên những bố cục riêng hoặc đối xứng, được đắp phù điêu trên các kiểu dáng khác nhau với các kích cỡ khổ lớn, nhiều màu men khác biệt và có những công năng khác nhau như: Bình hoa, chân đèn, lư hương… đã tạo ấn tượng sâu sắc với người xem.
Trong khuôn khổ Hội Xuân Giáp Thìn - 2024 khách tham quan còn có dịp tham quan triển lãm tranh vẽ rồng của họa sĩ Hoàng Trúc trên chất liệu mo cau, đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bộ sưu tập tranh chủ đề “Hóa rồng” vẽ trên chất liệu mo cau nhiều nhất ở Việt Nam. Triển lãm tranh “Rồng và hoa” của họa sĩ Nghiêm Diệp Anh gồm 40 bức tranh bột màu. Họa sĩ tiếp thu tạo hình rồng trong truyền thống và thể hiện tranh vẽ rồng đương thời.
Tại Hội Xuân Giáp Thìn 2024, Công ty cổ phần Vạn Thiên Y giới thiệu 20 thiết kế được nghiên cứu, phỏng dựng lại từ đại triều phục với hình ảnh rồng thêu trên long bào, mãng bào và bộ sưu tập áo dài “Vân long lưu vũ” gồm áo dài trên chất liệu tơ tằm, khai thác hình tượng mỹ thuật cổ về rồng thời Lý, Trần và Nguyễn.
Ngoài ra, không gian trưng bày “Tinh hoa từ trời đất” giới thiệu sản phẩm gốm của làng nghề Hương Canh (Vĩnh Phúc), Giang Cao (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương) với các chủng gốm đa dạng, chất lượng, độc đáo được sáng tạo bởi các nghệ nhân làng nghề.
Đến với triển lãm, người xem còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Xuân Giáp Thìn được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Hội Xuân như: “Chào Xuân 2024 - Rồng bay lên”; gala “Xuân ấm áp”; “Mừng Đảng, mừng Xuân”; “Chào năm mới”, “Vui đón Xuân”.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc, Ban tổ chức kết hợp cùng Quỹ hỗ trợ Bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam tạo nên “Chợ phiên di sản”. Tại đây trưng bày các sản phẩm đặc sắc của từng địa phương và giới thiệu không gian du lịch di sản.