Đặc sản cốm dẹp xứ Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)
Nếu như cơm rượu là một trong những món ăn nổi tiếng ở vùng đất này và được gắn với địa danh xã Phú Hội, và là món ăn không thể thiếu các dịp quan trọng của gia đình, dòng họ, làng như: giỗ chạp, cúng đình, lễ, Tết. Thì món ngon đậm chất hương đồng gió nội khác là cốm dẹp.
Cũng giống cơm rượu, lúc đầu chỉ vài nông dân trồng lúa ở xã Vĩnh Thanh làm cốm để ăn chơi, nhưng về sau đã trở thành nghề của cả làng, sản phẩm bán nhiều nơi trong nước và xuất khẩu.
Xã Vĩnh Thanh là vùng trồng lúa nước lớn của H.Nhơn Trạch. Từ trước giải phóng, những người gốc Bắc di cư vào đây đã chọn vùng hạ nguồn sông Đồng Nai, nơi có đất đai bồi đắp màu mỡ, nước sông xanh mát quanh năm để phát triển nghề trồng lúa nước. Những người lớn tuổi tại đây kể lại, vào vụ mùa, người dân thường trồng lúa nếp (loại nếp cái hoa vàng) lấy gạo thổi xôi, làm bánh cúng gia tiên và trời đất dịp Tết cổ truyền.
Khoảng Rằm tháng 8 âm lịch là mùa lúa nếp “đỏ đuôi”, người ta thường chọn những bông lúa nếp vừa chín tới, hạt chắc mẩy về làm cốm. Lúa được tuốt thủ công, cho vào rang cho đến khi hạt se vỏ, có mùi thơm thoảng và nổ đều thì đổ vào cối giã tách vỏ. Cốm giã xong đem sàng sẩy cho hết vỏ trấu, giữ lại những hạt cốm mỏng, dẻo, thơm, màu xanh lợt thì đổ ra khay cho trẻ con, người lớn ăn Tết Trung thu thay bánh kẹo.
Được biết sản xuất cốm dẹp Vĩnh Thanh là nghề gia truyền cũng trên dưới 60 năm. Đặc sản cốm dẹp Vĩnh Thanh hình thành khi cư dân miền Bắc vào đây định cư, trải qua hơn 60 năm, đã có nhiều cơ sở được truyền từ 2 đến 3 thế hệ.
Hàng chục năm nay, đặc sản cốm dẹp ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch vẫn luôn có chỗ đứng trên thị trường và ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình. Từ chỗ làm thủ công thì giờ đây, sản phẩm cốm dẹp Vĩnh Thanh đã được sản xuất trên dây chuyền máy móc hiện đại, đảm bảo được yêu cầu về chất lượng và số lượng. Không chỉ cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước, cốm dẹp Vĩnh Thanh còn được xuất khẩu ra nước ngoài.