Đặc sản của dòng sông thiêng Đà Giang

Sông Đà bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc chảy vào địa phận Việt Nam còn có tên gọi sông Bờ hay Đà Giang. Lúc ầm ào ghềnh thác, lúc lượn lờ bãi bồi, con sông này được cho là huyết mạch quan trọng của vùng Tây Bắc nước ta khi chảy xuyên qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ.

Cá mương, loài cá dồi dào nhất của sông Đà được tiểu thương bán tại chợ Nghĩa Phương (TP.Hòa Bình) với giá chưa đến 10 ngàn đồng/kg. Ảnh: B.Nguyên

Cá mương, loài cá dồi dào nhất của sông Đà được tiểu thương bán tại chợ Nghĩa Phương (TP.Hòa Bình) với giá chưa đến 10 ngàn đồng/kg. Ảnh: B.Nguyên

Sông Đà còn được biết đến về sự đa dạng, dồi dào nguồn cá, tôm thiên nhiên; góp phần tạo nên sự phong phú, nét độc đáo riêng của ẩm thực Tây Bắc.

Trên sông Đà có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng từ năm 1979 từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á và sau đó bị phá kỷ lục bởi Nhà máy Thủy điện Sơn La cũng được đầu tư trên dòng sông này.

* Độc đáo ẩm thực từ cá, tôm thiên nhiên

Sông Đà còn được gọi là dòng sông thiêng của Việt Nam khi gắn liền lịch sử cội nguồn dân tộc với truyền thuyết về thủy tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương, Thánh Tản Viên Sơn... Dòng sông lịch sử này không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và lãng mạn mà còn là nguồn tài nguyên cá, tôm phong phú góp phần vào sự độc đáo của ẩm thực vùng Tây Bắc.

Nói đến đặc sản “cá hiếm” của sông Đà phải kể đến cá ngần vì loại cá này chỉ xuất hiện duy nhất trong năm từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Ở Việt Nam, cá ngần có nhiều nhất ở sông Đà nên thường được gọi là cá ngần sông Đà.

Chả cá thiểu sông Đà

Chả cá thiểu sông Đà

Có người còn gọi đây là cá thủy tinh vì cá không có xương, kích thước nhỏ, có màu trắng hoặc trong suốt. Đặc biệt, tuy thân cá mềm nhưng nấu chín lại không bị nhũn nát mà dai, ngọt thịt, hoàn toàn không có mùi tanh. Có nhiều cách chế biến cá ngần, đơn giản nhất là chiên giòn, chấm tương ớt hoặc “chẩm chéo” của người Thái. Cá này có thể làm chả, cuộn lá lốt chiên giòn, nấu canh riêu… Cầu kỳ hơn là món cá hấp lá rừng, cá được trộn cùng lá vón vén (loại lá rừng, mình dây, có vị chua nhẹ) giã nhỏ, thêm gia vị, gói bằng lá chuối rừng hoặc lá vả rồi cho lên chõ hấp chín.

Độc đáo không kém còn phải kể đến món gỏi cá nhảy Tây Bắc. Món cá nhảy thường chọn loại cá bé bằng ngón tay, vừa được vớt lên mặt nước còn nhảy tanh tách. Cá thường được trộn với các loại lá rừng có vị chua vò nát hoặc giã dập để làm tái cá rồi trộn cùng muối ớt. Cầu kỳ hơn, trước khi làm gỏi, cá được ngâm vào nước măng chua rồi vớt ra trộn với chút măng chua, đọt chuối non thái nhỏ, thêm ớt, tỏi, mắc khén, rau thơm…

Từ lâu, sông Đà nổi tiếng có loài cá lăng với thịt thơm ngon. Thuở xưa, loài cá này vốn là sản vật quý dùng để tiến vua. Theo người dân địa phương, cá lăng ở sông Đà có đuôi rất khỏe, có thể bật ngược lên nô giỡn cùng sóng dữ. Loài cá này thường ăn mồi sống như tôm tép, cá con, phù du hoặc rêu bám trên vách đá nên cho chất thịt ngọt, dai, có thể chế biến ra nhiều món ngon độc đáo như: nướng riềng mẻ, rang muối, om chuối đậu, lẩu măng cay…

Hến xào và cá nướng

Hến xào và cá nướng

Lòng hồ thủy điện sông Đà còn được biết đến là “vựa” tôm sông ngon nổi tiếng khắp xa gần. Độc đáo nhất phải kể đến món gỏi tôm sông của đồng bào dân tộc Thái làm để đãi khách quý. Nguyên liệu chính để làm món gỏi này gồm: tôm sông còn sống, rau thơm, hoa chuối, nước măng chua và các gia vị khác.

* Món ngon từ sự giản đơn

Thời xưa, phương tiện bảo quản thức ăn còn ít và đơn giản, người dân tộc làm nghề cá ở trên sông Đà thường dùng ống tre, nứa đựng cá và cho muối ớt vào ướp để giữ cá tươi. Ngoài ra, người dân cũng thường phơi hoặc hun khói để bảo quản.

Ngoài cá sông thiên nhiên, cá nuôi bè trên sông Đà cũng cho chất lượng ngon, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây

Ngoài cá sông thiên nhiên, cá nuôi bè trên sông Đà cũng cho chất lượng ngon, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây

Có nguồn nguyên liệu cá, tôm tươi ngon nên cách chế biến món ngon từ cá, tôm sông Đà của người dân Tây Bắc khá đơn giản để giữ nguyên vị của món ăn.

Tôm sông chiên giòn

Tôm sông chiên giòn

Món cá nướng sông Đà tuy được chế biến rất đơn giản nhưng lại tạo nên nét độc đáo của ẩm thực Tây Bắc. Để làm món cá nướng, chỉ cần chọn cá tươi, làm sạch ruột rồi kẹp trên thanh tre đem nướng trên bếp than hồng. Cầu kỳ hơn thì người làm sơ chế, ướp cá rồi mới đem nướng. Các món nướng ở Tây Bắc thường sử dụng gia vị là hạt dỗi, lá mắc mật, hạt mắc kén… Khi ăn, món cá nướng thường được bày lên lá chuối xanh, ăn kèm với các loại rau rừng có đủ vị chua, chát và cay nồng của muối ớt để vừa át vị tanh của cá, vừa kích thích vị giác của người dùng.

Tôm thiên nhiên của sông Đà nổi tiếng về độ ngọt, dai nên dù chế biến theo kiểu dân dã cũng là đặc sản hút khách thập phương khi đến vùng Tây Bắc. Tôm sông Đà có kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay trẻ con nhưng thân tôm căng mẩy, vỏ tôm không cứng. Chính vì vậy, món tôm này chỉ cần đem chiên giòn cuốn với lá rừng hoặc rang khô đã trở thành món tốn cơm.

Theo chị Thảo, tiểu thương bán cá tại chợ Nghĩa Phương (TP.Hòa Bình), sông Đà rất dồi dào nguồn cá, tôm. Do cá, tôm thiên nhiên cho chất lượng ngon, an toàn nên được thực khách khắp nơi ưa chuộng, thương lái thu mua một lượng lớn đưa về tiêu thụ ở thủ đô Hà Nội. Cá sông Đà rất ngon, rẻ. Rẻ và nhiều nhất phải kể đến con cá mương, mùa thu hoạch rộ bán ra chỉ vài ngàn đồng/kg. Tuy là món ăn phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của người dân địa phương nhưng loài cá này vẫn được nhiều quán ăn chế biến trở thành món ngon lạ miệng với du khách đến đây.

Ngoài các món chế biến từ cá tươi, các loại chả cá sông Đà cũng “gây thương nhớ” cho người thưởng thức. Món chả cá nức tiếng của sông Đà phải kể đến cá thiểu (còn gọi là cá nhác). Loài cá này có trọng lượng lớn lên đến hàng chục kg.

Nguồn cá, tôm sông Đà được bán tại chợ Nghĩa Phương (TP.Hòa Bình)

Nguồn cá, tôm sông Đà được bán tại chợ Nghĩa Phương (TP.Hòa Bình)

Bà Trần Thị Tám, người bán chả cá sông Đà tại chợ Nghĩa Phương chia sẻ: “Chả cá thiểu, cá vền… là những loại chả cá ngon được người dân Hòa Bình ưa chuộng. Tôi trực tiếp mua cá từ thuyền chài đánh bắt trên sông, con cá còn tươi nguyên đem về chế biến. Thịt cá thiểu thơm, mềm nên khi đưa vào làm chả không cần ướp gia vị cầu kỳ, chỉ cần nạc cá trộn thêm chút mọc thịt heo, nêm thì là, hành khô đem chiên là được món chả thơm ngon”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202308/dac-san-cua-dong-song-thieng-da-giang-3173575/