'Đại bàng' công nghệ đã đến, Việt Nam làm gì để tận dụng thế mạnh?
Những nhà tỷ phú công nghệ sừng sỏ nhất thế giới đã và đang đến Việt Nam. Vấn đề còn lại là chúng ta phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cùng nhau đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ của khu vực.
“Đại bàng” đã đến
Ông Jensen Huang, CEO của Nvidia đã đến Hà Nội, tiếp kiến Tổng bí thư Tô Lâm và làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với việc Nvidia mua lại Vinbrain, công ty về chăm sóc sức khỏe của của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ký thỏa thuận hợp tác cùng với Việt Nam về xây dựng các trung tâm dữ liệu và phát triển trí tuệ nhân tạo, vị tỷ phú sinh năm 1963 này quyết tâm “biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của Nvidia” (lời ông Huang).
Hình ảnh vị CEO Nvidia uống bia ở phố Tạ Hiện với Thủ tướng Phạm Minh Chính tạo ra bầu không khí lạc quan về triển vọng hợp tác.
Trước đó, vào tháng 4/2024, CEO Tim Cook của Apple tới Việt Nam đi uống cà phê trứng với mẹ con ca sĩ Mỹ Linh. Tới tháng 8/2024, hãng tin Reuters đưa tin, Google đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu siêu lớn tại Việt Nam.
Cuối tháng 9/2024, SpaceX của tỉ phú Elon Musk công bố kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam và Tập đoàn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng nhiều lần đưa ra tuyên bố về triển vọng đầu tư ở Việt Nam.
Những sự kiện dồn dập này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đầy hứa hẹn của nhiều “Đại bàng” công nghệ Hoa Kỳ.
Có thể nói trong khoảng một thập niên trở lại đây, Việt Nam đã thu hút những tập đoàn công nghệ của các tỷ phú lừng danh từ Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ.
Một trong những kết quả minh chứng là kim ngạch xuất khẩu của các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ sang Việt Nam đã tăng gần như gấp đôi trong 5 năm qua, từ 484 triệu USD vào năm 2018 lên 857 triệu USD vào năm 2023 (theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại phi lợi nhuận (CCIA), đại diện cho nhiều công ty truyền thông và công nghệ quốc tế).
Dư luận quốc tế cho rằng đầu tư từ Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số, sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Và dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ nói riêng và tất cả các lĩnh vực nói chung sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% vào năm 2025, hay như Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đặt mục tiêu là 8%.
Xa hơn, đầu tư của các đại gia công nghệ sẽ hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ về chuyển đổi số và thực hiện những mục tiêu mà Tổng bí thư Tô Lâm đã đề ra, đó là đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Bà Naomi Wilson, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách, châu Á và thương mại toàn cầu của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (Information Technology Industry Council- viết tắt là ITI), một Hiệp hội Thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn bao gồm Meta, Google và Equinix từng đưa ra nhận xét trên tờ The Wall Street Journal: “Thời gian gần đây, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ hàng đầu nước Mỹ đã bày tỏ ý định đổ thêm vốn mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành thị trường ngày càng quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và bán dẫn, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn cầu, trong vài năm qua, đặc biệt là khi các công ty tìm cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.
Việt Nam thực sự có thể tận dụng sự đa dạng hóa đó trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí rất thuận lợi, có quan hệ thương mại tốt trên toàn khu vực và đang có nhiều chiến lược phát triển hơn để tăng cường sản xuất và đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn”.
Còn ông Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Bussines thuộc Đại học Melbourne (Úc) thì nói trên tạp chí Escape: “Việt Nam là điểm đến cho đầu tư công nghệ có nhiều nền tảng thực sự vững chắc, có một hệ sinh thái kỹ thuật số và công nghệ đang phát triển, tầng lớp người tiêu dùng cũng đang gia tăng, có một doanh số trẻ và có một lực lượng lao động thực sự lành nghề.
Vì vậy, có rất nhiều điều khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn. Và tất nhiên sự ổn định chính trị là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp nghĩ đến khi họ nhìn vào Việt Nam. Trong vài tháng qua chúng ta chứng kiến những tiến triển rõ rệt về triển vọng chính trị của Việt Nam, và khi nhìn tới, dường như có thể dự đoán về giai đoạn tiếp theo của chính trường Việt Nam một cách tương đối.
Vì vậy, tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư đang cân nhắc Việt Nam từ góc độ rủi ro chính trị. Khi các doanh nghiệp nhìn vào Việt Nam, họ sẽ theo dõi rất chặt chẽ chiều hướng, hoạch định chính sách dưới sự lãnh đạo của ban lãnh đạo mới”.
Làm sao để tận dụng thế mạnh của "đại bàng"?
Mặc dù đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư của các tỷ phú công nghệ (mà người Việt Nam chúng ta gọi vui là những con “đại bàng”), nhất là giới công nghệ đến từ Mỹ, các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư, đặc biệt là môi trường pháp lý để thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư.
Bà Wilson nói: “Trong bối cảnh các công ty công nghệ đã bày tỏ sự quan tâm lớn đối với việc tận dụng hoàn toàn Việt Nam như một trung tâm khu vực về đổi mới sản xuất, bán dẫn và chuỗi cung ứng thì vẫn còn những điều mà Chính phủ Việt Nam có thể làm để hỗ trợ điều đó, trong đó bao gồm cung cấp chương trình nâng cao kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động nhằm biến Việt Nam thành một thị trường ngày càng cạnh tranh. Bên cạnh đó còn bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Ông Robert Law chỉ ra rằng: “Không chỉ là về lực lượng lao động mà cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng là một lĩnh vực mà Việt Nam phải bắt kịp.
Chỉ mới bắt đầu nói về việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu. Chúng ta biết rằng trong quá khứ đã có một số thách thức xung quanh nguồn cung cấp điện khiến các nhà máy ở miền Bắc Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động vào năm 2023”.
Bên cạnh nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực Asian.
Ông Robert Law tiếp: “Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều triển vọng và nhiều cơ hội so với các quốc gia Đông Nam Á khác, với dân số gần một trăm triệu người và tăng trưởng kinh tế thực sự nhanh chóng. Nhưng có một số lĩnh vực mà Việt Nam còn tụt hậu hơn một chút so với các nước cùng khu vực. Ví dụ, Malaysia đã đạt được những bước tiến thực sự nhanh chóng về đầu tư nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu và đang định vị mình là quốc gia thực sự dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo.
Trên thực tế, trong khi Việt Nam vẫn chỉ trong tầm ngắm thì các quốc gia khác trong khu vực đã nhận được cam kết chính thức từ một số ông lớn công nghệ của nước Mỹ. Trong số đó phải kể đến việc Google tuyên bố sẽ đầu tư một tỉ USD vào Thái Lan để xây dựng Trung tâm dữ liệu và đám mây hay công bố kế hoạch rót 2 tỉ đô USD vào dịch vụ đám mây chủ quyền tại Malaysia, giúp tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn 3 tỉ đô la Mỹ vào GDP nền kinh tế của nước này vào năm 2030.
Bà Wilson thì nói: “Việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và một môi trường ổn định là yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút đầu tư. Và trong đó môi trường pháp lý thực sự là chìa khóa để Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quy tắc và quy định, đặc biệt là về chính sách dữ liệu nếu không được tháo gỡ sẽ rất khó khăn cho việc trở thành trung tâm khu vực (mà Việt Nam có tiềm năng và nên trở thành) trong lĩnh vực công nghệ và thu hút các công ty đa quốc gia nói chung”.
Ông Robert Law cụ thể hơn: “Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các quốc gia trên khắp thế giới. Tất cả họ cũng đang vật lộn với thách thức về cân bằng những tác động mà công nghệ có thể mang lại và cùng lúc bảo vệ an ninh quốc gia”.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để cân bằng được giữa an ninh quốc gia và thu hút đầu tư công nghệ. Nếu cân bằng không hợp lý sẽ có nguy cơ kìm hãm sự đổi mới và ngăn cản đối với đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn là tính ổn định và khả năng họ có thể dự đoán các quy định của nước sở tại. Vì vậy, nên chăng khi có những quy tắc và quy định mới được đề xuất, cần có cơ hội để họ góp ý và đóng góp chuyên môn vào quá trình đó nhằm giúp Chính phủ điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn.
Cơ hội và thách thức từ chính quyền “Trump 2.0”
Trong khi những cam kết của các Big tech trong năm nay đã khiến hãng tin Bloomberg nhận định mối quan hệ giữa Thung lũng Silicon với Việt Nam ngày càng sâu sắc thì một nhân tố được cho là không thể bỏ qua trong khi cần tìm cách cân bằng chính sách và thu hút đầu tư: Đó chính là nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump.
Giới phân tích đồng tình cho rằng khi Tổng thống đắc cử của Mỹ lên nhậm chức, sẽ có nhiều thay đổi về thuế, thương mại, đầu tư. Theo đó, nhiều ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chúng ta thấy được một số tiền lệ và có thể dự đoán phần nào các phương pháp mà chính quyền “Trump 2.0” sẽ dựa vào cũng như những ưu tiên mới của họ.
Thâm hụt thương mại (tức mức chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu) từng là một vấn đề trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam, và chắc chắn cần được chúng ta lưu ý cùng với vấn đề thuế quan.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng một mức thuế nhập khẩu nặng, bao gồm thuế 60% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế từ 10- 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu khác.
Ông Robert Law khuyên: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải coi trọng những lời của ông Trump, nhưng không phải là theo nghĩa đen. Tức là chúng ta nên coi trọng việc ông ấy có kế hoạch áp dụng thêm thuế quan đối với Trung Quốc. Dù chưa biết là bằng cách nào và vào khi nào nhưng bạn nên chờ điều đó xảy ra.
Còn về mức thuế 10- 20% mà ông ấy đã nói áp dụng cho tất cả các nước khác. Tôi nghĩ vẫn có thể có chỗ cho đàm phán và mặc cả. Việt Nam đã làm tốt trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và Việt Nam với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ nên đàm phán để được đối xử khác với các quốc gia khác”.
Các “đại bàng” công nghệ đang “bay” vào Việt Nam ngày càng nhiều. Việc “lót ổ” để “đại bàng đẻ trứng" là công việc đang nằm trong tay chính chúng ta. Và, câu hỏi giờ đây cần được các nhà hoạch định chính sách giải đáp: làm sao để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo, trong khi vẫn bảo vệ được an ninh quốc gia. Việc cải thiện môi trường pháp lý và hạ tầng cũng sẽ quyết định khả năng biến đất nước trở thành trung tâm công nghệ khu vực.