Phát triển ngành thủy sản bắt đầu từ những ngôi làng đáng sống

Năm 2024 dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiệt hại sau cơn bão số 3 (bão Yagi), nhưng ngành thủy sản vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển; tổng sản lượng ước đạt gần 5,4 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023…

Người dân sửa bè nuôi trồng thủy sản sau báo Yagi.

Người dân sửa bè nuôi trồng thủy sản sau báo Yagi.

Những kết quả tích cực

Theo báo cáo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Hiện nay cả nước có 155 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp (35 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm nước lợ, 120 cơ sở sản xuất thức ăn cho cá và các đối tượng khác). Tổng sản lượng thiết kế đạt 11,967 triệu tấn (2,063 triệu tấn thức ăn cho tôm, 3,5 triệu tấn cho cá tra, 6,404 triệu tấn thức ăn cho thủy sản khác). Sản lượng thức ăn thủy sản năm 2024 sản xuất được 5,39 triệu tấn (1,4 triệu tấn cho tôm, 2,02 triệu tấn cho cá tra, 1,97 triệu tấn cho thủy sản khác).

Cả nước có 868 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận (128 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 740 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước), trong đó năm 2024 cấp mới 75 cơ sở. Hiện, có 750 cơ sở đang duy trì hoạt động (118 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 632 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước); 118 cơ sở không duy trì điều kiện đã được thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.

Sản lượng thức ăn thủy sản năm 2024 sản xuất được 5,39 triệu tấn (1,4 triệu tấn cho tôm, 2,02 triệu tấn cho cá tra, 1,97 triệu tấn cho thủy sản khác).

Sản lượng thức ăn thủy sản năm 2024 sản xuất được 5,39 triệu tấn (1,4 triệu tấn cho tôm, 2,02 triệu tấn cho cá tra, 1,97 triệu tấn cho thủy sản khác).

Về hoạt động quản lý tàu cá, ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định: So với hơn 1 năm trước khi Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đến Việt Nam làm việc, công tác chống khai thác IUU tại nhiều địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt nhất là trong quản lý đội tàu và xử lý các hành vi phạm.

“Nhiều địa phương đã tích cực hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, chuyển đổi số, tích luận hợp công nghệ để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Hiện nay, Cục Thủy sản đã có kế hoạch về các chính sách hỗ trợ tàu cá chuyển đổi nghề và đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt”, ông Hải chia sẻ.

Hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, ông Hải cũng cho rằng hiện nay vẫn còn một số yếu tố khiến cho hoạt động sản xuất thủy sản chưa thể phát triển toàn diện đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, môi trường và dịch bệnh tăng, hạ tầng sản xuất (nguồn nước, điện, giao thông) chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào chưa toàn diện; thức ăn chất lượng kém, không đúng quy định vẫn còn lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, công tác quản lý và thực thi pháp luật loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và cá nước lạnh còn nhiều khó khăn. Công nghệ nuôi cá nước lạnh, khai thác nguồn nước vẫn còn hạn chế.

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cũng chỉ ra một số khó khăn mà lĩnh vực này đang phải đối mặt trong đó những vấn đề nổi lên đó là công tác về quan trắc môi trường.

Mục tiêu trong năm 2025 lĩnh vực này phấn đấu đạt 1,3 triệu ha diện tích nuôi trồng, giữ ổn định so với năm 2024.

Mục tiêu trong năm 2025 lĩnh vực này phấn đấu đạt 1,3 triệu ha diện tích nuôi trồng, giữ ổn định so với năm 2024.

Theo ông Thế Anh chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý và thực thi pháp luật đối với loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và cá nước lạnh còn nhiều khó khăn. Công nghệ nuôi những đối tượng này còn chưa có sự đổi mới…

Mặc dù vậy, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản cho biết mục tiêu trong năm 2025 lĩnh vực này phấn đấu đạt 1,3 triệu ha diện tích nuôi trồng, giữ ổn định so với năm 2024. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380.000ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920.000 ha và 9,5 triệu m³ nuôi biển. Sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ đạt 5,96 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2024; trong đó sản lượng cá tra là 1,65 triệu tấn, tôm nước lợ 1,3 triệu tấn.

Nhận định về những cơ hội và thách thức ngành thủy sản năm 2025, Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng những khó khăn, thách thức mà ngành này đã phải đối mặt trong năm 2024 và sẽ còn phải tiếp tục gặp phải trong năm 2025.

Theo Cục trưởng thủy sản một số vấn đề cần đặt ra và phải tìm cách tháo gỡ ngay, đó là quản lý con giống phục vụ nuôi thủy sản; thức ăn được sản xuất ở các nhà máy đồng bằng rồi vận chuyển lên miền núi và các vùng khác thì có vướng gì về chất lượng, giá cả hay không…; câu chuyện cấp mã số vùng nuôi; những vướng mắc trong việc thực thi pháp luật; chú trọng đến an toàn thực phẩm; đặc biệt cần quan tâm đến môi trường nuôi…

“Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, môi trường suy thoái thì không thể nuôi được”, ông Luân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thủy sản cũng trăn trở câu chuyện đa dạng hóa đối tượng nuôi. Theo ông Luân, nếu như chúng ta chỉ mãi trông chờ vào việc xuất khẩu những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra thì rất áp lực, cần phải nghĩ rộng hơn, xa hơn.

“Tại sao không phải là những đối tượng nuôi giàu tiềm năng như cá rô phi, lươn, cá nước lạnh. Mỗi địa phương sẽ có cách làm riêng và mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để người dân được hưởng lợi, không phải rời bỏ quê hương. Hiện nay ở các địa phương đã có một số mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản hay, hiệu quả nhưng để nhân rộng cần có sự chung tay của lãnh đạo địa phương cũng như cộng đồng để xây dựng những ngôi làng ven biển thực sự trở thành nơi đáng sống”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

BÀI VÀ ẢNH: THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-nganh-thuy-san-bat-dau-tu-nhung-ngoi-lang-dang-song-post851917.html