Đại biểu đề nghị phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số
Các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao trong việc thúc đẩy công nghiệp công nghệ số phát triển theo hướng bền vững, không chỉ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 9/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Phát triển công nghiệp công nghệ số song hành với bảo vệ môi trường
Tham gia đóng góp ý kiến, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan. Theo đại biểu, dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, góp phần khắc phục những bất cập, tạo hành lang pháp lý vững chắc và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Liên quan đến chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, Đại biểu Hương nhận định dự thảo đã thể chế hóa kịp thời tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW với nhiều cơ chế ưu đãi như ưu đãi vượt trội cho những dự án đặc biệt; khuyến khích nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ số; ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam…

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang). Ảnh: Quốc hội
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các chính sách ưu đãi vượt trội, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hoạt động đào tạo về công nghệ số để bảo đảm khả thi và thống nhất với pháp luật về đầu tư và nghiên cứu. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này, đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp trong phát triển và áp dụng công nghệ số.
Nữ đại biểu tỉnh An Giang đề cập đến Mục 8 trong Chương II về các quy định các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số, thể hiện rõ sự quan tâm tới yếu tố môi trường. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và xu thế công nghệ toàn cầu, bà đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách vượt trội hơn để giảm thiểu hiệu quả hơn các tác động tiêu cực đến môi trường.
Cùng với đó, bà cho rằng cần có cơ chế đặc thù thúc đẩy việc thu hồi, xử lý sản phẩm công nghệ số sau khi hết thời hạn sử dụng, hướng tới tiêu chuẩn xanh và phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng đánh giá ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam tuy đi sau nhưng "không trễ". Theo đại biểu, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số trong nước và cả các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Đồng thời, ông cho rằng dự thảo luật cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế cho các doanh nghiệp một cách cụ thể, đặc thù, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, hướng tới mục tiêu Việt Nam làm chủ công nghệ bán dẫn - lĩnh vực chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh cần có quy định rõ về chính sách thu hồi, xử lý các thiết bị, vật liệu có thể tái chế từ công nghệ bán dẫn. “Công nghệ bán dẫn có những thiết bị, những chất sau khi qua sử dụng sẽ thành những phế thải. Các sản phẩm này có thể tái chế nếu cần thiết, hoặc cần thu hồi, xử lý để không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, tới sức khỏe người dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Quốc hội
Đồng quan điểm, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nhằm bảo đảm lợi ích không chỉ cho hiện tại mà cả cho các thế hệ tương lai.
Các ý kiến thảo luận cũng cho thấy sự đồng thuận cao trong việc thúc đẩy công nghiệp công nghệ số phát triển theo hướng bền vững, không chỉ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
Đưa công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu nêu. Ảnh: Quốc hội
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này theo 4 mục tiêu lớn, gồm:
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế đất nước; hình thành và phát triển được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số, cơ bản chuyển dịch được từ lắp ráp, gia công sang khâu chất lượng cao hơn là sáng tạo, thiết kế, sản xuất, tiến dần làm chủ công nghệ lõi, công nghệ số chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn, tầm cỡ quốc tế; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số hiện đại, đồng bộ; thu hút, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật, đó là quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung; còn những vấn đề chi tiết giao cho Chính phủ quy định; các chính sách cụ thể, rõ ràng, đột phá, vượt trội, có thể thực hiện được ngay; cùng một vấn đề chỉ quy định ở một luật; tăng cường phân cấp, phân quyền; cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; bảo đảm cho kiến tạo, phát triển....
“Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội hôm nay, Chính phủ và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội thông qua với chất lượng tốt nhất ngay tại kỳ họp thứ 9 này,” Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho hay.