Phát triển cà phê bền vững từ chuỗi liên kết

Liên kết theo chuỗi không chỉ tạo vùng nguyên liệu cà phê ổn định, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mà từ đó còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, hướng đến phát triển bền vững…

Ngày 9/5, tại Hội trường Công an huyện Ea H’leo (651B, đường Giải Phóng, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), UBND huyện Ea H’leo chủ trì, phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo”.

Bí thư Huyện ủy Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội thảo

Bí thư Huyện ủy Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà nhận định, trước các yêu cầu ngày càng khắc khe của thị trường về chất lượng, việc liên kết trong sản xuất là xu hướng tất yếu. Ea H’Leo đang có lợi thế lớn khi xây dựng được nhiều vùng chuyên canh tập trung sản xuất cà phê có chứng nhận. Việc cần làm là các tổ chức nông dân cần liên kết lại với nhau phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong sản xuất và liên kết chặt chẽ với các thành tố khác trong chuỗi giá trị từ đó gia tăng giá trị kinh tế cho ngành hàng.

“Tôi đề xuất các tổ chức hội, UBND các xã, thị trấn nên vận động và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thành lập các tổ chức kinh tế tập thể trong vùng nông dân trồng cà phê. Bởi các hợp tác xã nếu không đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn thì nông dân không thể tự mình thực hiện được nên cùng nhau là rất quan trọng cho chúng ta trong phát triển bền vững” - ông Nguyễn Văn Hà nói.

Nông dân phát biểu ý kiến tại hội thảo

Nông dân phát biểu ý kiến tại hội thảo

Đồng quan điểm, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Bùi Đức Thiện cũng cho rằng, thực trạng sản xuất cà phê lâu nay ở Đắk Lắk nói chung và huyện Ea H’Leo nói riêng chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các công ty thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam, các Công ty cà phê thuộc tỉnh Đắk Lắk và DN quản lý, còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.

Để nhiệm vụ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Ea H’Leo nói riêng tiếp tục đạt được hiệu quả thì trong thời gian tới cấp địa phương cần tiếp tục phối hợp cấp tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho hộ (người nông dân), DN, hợp tác xã; liên minh hợp tác xã theo chuỗi giá trị; liên minh, liên kết sản xuất cà phê bền vững; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến cà phê gắn với tiêu thụ ổn định.

Ông Phạm Công Triều (ngụ huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) chia sẻ tại hội thảo

Ông Phan Văn Thiện (ngụ huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) là nông dân trồng cà phê từ năm 1993 đến nay. Sau nhiều năm kinh nghiệm trồng cà phê, ông cho rằng nên chọn các loại phân bón thương hiệu để phát triển bền vững

Ông Huỳnh Trần Chốn - đại diện cho Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Eanam cũng cho biết, hợp tác xã xác định mục tiêu hoạt động vì sự phát triển ổn định nông nghiệp và lâu dài và theo hướng hội nhập thế giới, tạo môi trường liên kết sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm cà phê ngày một chất lượng hơn ra ngoài môi trường thế giới, mang lại sự ổn định về giá cũng như chất lượng ngày một cải tiếng hơn.

Hiện nay với tình hình biến đổi khí hậu, tình trạng sản xuất phân giả đang xâm lấn thị trường và diện tích canh tác thay đổi sang những cây trồng khác làm sản lượng cà phê Việt Nam sụt giảm đáng kể. Liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng giúp ngành hàng cà phê phát triển bền vững.

Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình sản xuất cà phê ở Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nông dân, hợp tác xã, DN...

Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình sản xuất cà phê ở Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nông dân, hợp tác xã, DN...

“Liên kết hợp tác người nông dân lại và hình thành được các hợp tác xã là tổ chức của người nông dân để tạo ra các vùng sản xuất đồng nhất về chất lượng, đảm bảo các yêu cầu của thị trường, đảm bảo giá trị tăng lên, giá bán tăng lên, và qua trọng là đầu ra tiêu thụ ổn định bền vững, giúp người dân yên tâm gắn bó với cây cà phê” - ông Huỳnh Trần Chốn chia sẻ.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-ca-phe-ben-vung-tu-chuoi-lien-ket.699479.html