Trợ cấp thất nghiệp thấp hơn lương tối thiểu

Với nhiều người lao động hiện nay, số tiền trợ cấp còn thấp, không đủ trang trải mức sống tối thiểu của bản thân và chăm lo cho gia đình.

Bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Việc làm, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc, hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm. Khi tham gia vào quan hệ lao động thì tiền lương là nguồn thu nhập chính của người lao động, đảm bảo nhu cầu cơ bản cuộc sống hằng ngày và tích lũy cho tương lai. Tuy nhiên, khi bị mất việc, trợ cấp thất nghiệp trở thành thu nhập của người lao động. Thực tế, với nhiều người, số tiền trợ cấp còn thấp, không đủ trang trải mức sống tối thiểu của bản thân và chăm lo cho gia đình.

Ở tuổi 54, một người lao động bị doanh nghiệp cho nghỉ việc với lí do tuổi cao, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Số tiền trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được là khoảng 4 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực Hà Nội khoảng 1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: "Với mức 4 triệu thì người thất nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mức này không thể đảm bảo cuộc sống, hy vọng sẽ tăng mức hỗ trợ lên cho người lao động".

Theo luật việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.

Đối với một người lao động khác, mức thu nhập thực tế đạt 10 triệu đồng/tháng nhưng doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Đến khi rơi vào cảnh mất việc, người lao động nhận về mức trợ cấp không đủ sống.

Anh Chu Văn Minh, quận Cầu Giấy, bày tỏ: "Tôi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp 12 năm rồi, được hưởng trợ cấp 3 triệu đồng, không đảm bảo cuộc sống. Đề nghị có chính sách điều chỉnh để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Nên chăng tăng thành 5 triệu trợ cấp thất nghiệp thì tốt hơn, vì con cái còn đang học hành".

Chị Phạm Thị Thu Hằng, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: "Tôi được hưởng tháng thứ 8 trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng được 3,1 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ, không đáp ứng cuộc sống. Mức sống hiện cao hơn, nhiều khoản chi tiêu, số tiền không đủ cho các con đi học. Tôi đã hơn 40 tuổi rồi, đi xin việc khó, nhiều đơn vị chỉ tuyển người dưới 35 tuổi".

Từ đầu năm 2025 đến nay, số lao động tại Hà Nội có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 19.600 người. Trung bình, người lao động được hưởng trợ cấp trong 6 tháng với mức hưởng bình quân 5,4 triệu đồng/tháng. Nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp dựa trên thu nhập thực tế, mức trợ cấp của người lao động sẽ cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: "Mức cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang đi làm. Do đó, người lao động có mức trợ cấp thất nghiệp ở mức từ 2 đến 4 triệu đồng rất thấp so với trang trải cuộc sống theo giá cả thị trường. Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ là ngắn hạn. Việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề mới là chính sách cốt lõi của bảo hiểm thất nghiệp".

Trợ cấp thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập, giúp người lao động duy trì cuộc sống trong thời gian chưa tìm được công việc mới… Để cải thiện mức hưởng trợ cấp, cần đưa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tiệm cận thu nhập thực tế của người lao động.

Nhật Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tro-cap-that-nghiep-thap-hon-luong-toi-thieu-328427.htm