Đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chiều ngày 6/5, tại các phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã sôi nổi trao đổi về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những đề xuất mang tính đột phá nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Quang cảnh phiên họp tổ chiều 6/6, Đoàn Hà Nội

Quang cảnh phiên họp tổ chiều 6/6, Đoàn Hà Nội

Tinh chỉnh cơ chế, thúc đẩy sáng tạo

Đại biểu Quốc hội Lê Quân, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của luật trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu đang chuyển dịch sản xuất sang các lĩnh vực công nghệ giá trị cao. Ông cảnh báo rằng nếu không dựa vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với bong bóng bất động sản, mất cân đối thị trường lao động và tài chính sau một chu kỳ tăng trưởng nhanh. Trong 5-15 năm tới, lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi các quốc gia phát triển tập trung vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Vì vậy, ông khẳng định luật này là bước ngoặt để khơi thông tiềm năng, đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân và hợp tác công-tư, tạo nền tảng hình thành thị trường khoa học, công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đánh giá cao tính cấp thiết của Luật trong việc triển khai Nghị quyết 57. Bà nhấn mạnh rằng chỉ có nghị quyết mà không có luật sẽ khó để các cơ sở và cá nhân thực hiện. Dự thảo được đánh giá là có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa nghiên cứu và hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với các khái niệm mới như thử nghiệm có kiểm soát và chấp nhận rủi ro, tạo động lực mạnh mẽ cho nhà khoa học.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn tập trung vào vai trò khoa học xã hội và nhân văn, khẳng định rằng dự thảo đã đúng đắn khi coi đây là bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học, công nghệ quốc gia, cung cấp luận cứ xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng các quy định về tài trợ, lĩnh vực ưu tiên và cơ chế hỗ trợ cho khoa học xã hội, nhân văn còn chung chung, chưa đủ mạnh để tạo bứt phá. Ông dẫn chứng thực tiễn quốc tế, như Mỹ với cơ quan chuyên trách trong Quỹ khoa học quốc gia, hay Liên minh Châu Âu yêu cầu lồng ghép nghiên cứu xã hội, nhân văn vào mọi sáng kiến công nghệ.

Từ thương mại hóa đến vai trò đại học

Một trong những điểm nhấn của dự thảo là quy định về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất mức tối thiểu 30% cho nhà khoa học và cá nhân liên quan, nhưng có ý kiến đề nghị xác định khung tỷ lệ cụ thể, khuyến khích tự thỏa thuận dựa trên vốn góp.

Đại biểu Lê Quân đánh giá đây là cơ chế đột phá, khuyến khích nhà khoa học coi nghiên cứu như khoản đầu tư mang lại thu nhập ổn định, tương tự tác giả bài hát nhận bản quyền nhiều năm. Một giải pháp như thuốc mới hay giống cây trồng có thể mang lại thu nhập suốt đời, tạo động lực sử dụng ngân sách hiệu quả, mang lợi ích cho quốc gia và cá nhân. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ các trường hợp đặc thù, như nghiên cứu an ninh quốc phòng hoặc hợp tác tư nhân, để áp dụng tỷ lệ linh hoạt.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh cơ chế chấp nhận rủi ro, cho rằng nếu không có quy định này, nhà khoa học sẽ gặp khó khăn khi nghiên cứu các vấn đề phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn nghiệm thu. Bà đề xuất rà soát Luật Đấu thầu để tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng kinh phí khoán chi tại khoản 3, Điều 62, vì nhiều trường hợp không mua sắm được do thiếu nhà cung cấp hoặc chất lượng vật tư kém.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh vấn đề rủi ro, cho rằng sản phẩm khoa học là trí tuệ, khó đánh giá, nên cần cơ chế rõ ràng để tránh lạm dụng, như báo cáo không đạt kết quả mà không chịu trách nhiệm. Ông đề nghị bổ sung trách nhiệm đánh giá của hội đồng chuyên môn, thay vì chỉ dựa trên tiêu chí hành chính.

Vai trò của các trường đại học là một nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu Lê Quân kiến nghị coi đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi tích hợp nghiên cứu và giảng dạy, không phân biệt nhà khoa học và nhà giáo. Ông chỉ ra rằng dự thảo nhắc đến đại học 15 lần, nhưng tổ chức khoa học, công nghệ tới 33 lần, cho thấy khoảng cách trong phân bổ trách nhiệm. Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị ưu tiên ngân sách nghiên cứu cho đại học, nơi tạo tri thức và nhân lực chất lượng cao, với tiêu chí giao nhiệm vụ khoa học gắn với đào tạo tiến sĩ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất công nhận trường đại học là tổ chức khoa học, công nghệ và cho phép viên chức quản lý, điều hành hợp tác xã, mô hình đang phổ biến tại các trường.

Định hướng khoa học cơ bản và hội nhập quốc tế

Khoa học cơ bản, đặc biệt khoa học xã hội và nhân văn, được các đại biểu đánh giá là nền tảng phát triển. Đại biểu Lê Quân nhấn mạnh cần đảm bảo kinh phí nghiên cứu khoa học cơ bản, vì đây là điều kiện sống còn cho các lĩnh vực khác, như vaccine.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đồng tình, cho rằng các khoa cơ bản tập trung nghiên cứu, đào tạo tinh hoa, cần học bổng thay vì thu học phí.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn thì đề xuất chương trình quốc gia về khoa học xã hội, nhân văn, xác định lĩnh vực ưu tiên như xã hội số, tác động chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, khuyến khích công bố quốc tế và nghiên cứu liên ngành.

Hội nhập quốc tế cũng là mối quan tâm lớn. Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép hội nghị, hội thảo quốc tế (hiện 30-40 ngày), không giới hạn lượt công tác nước ngoài và đơn giản hóa thủ tục cho đối tác quốc tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường thì kiến nghị miễn visa, giấy phép lao động cho chuyên gia quốc tế, dựa trên kinh nghiệm tự chủ của các trường đại học trước đây.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh hợp tác đa ngành, hội nhập toàn cầu nhưng giữ bản sắc, với quy định về công nghệ chiến lược như bán dẫn tại Điều 6a.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của luật trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số từ 2026, cụ thể hóa Nghị quyết 57, 68, 45. Đại biểu đề xuất làm rõ thuật ngữ, khuyến khích cá nhân sáng tạo, cấm vi phạm liêm chính khoa học, tăng chi ngân sách từ 2% lên 3%, và xây dựng trung tâm khoa học vùng, ưu tiên khu vực khó khăn.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dai-bieu-gop-y-cho-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-163772.html