Đại biểu hiến kế để giải quyết việc thiếu thuốc hiếm, quảng cáo thuốc tràn lan

Cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong quảng cáo thuốc, không để nội dung quảng cáo sai lệch thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo...

Tại phiên thảo luận tổ chiều 18-6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu đoàn TP.HCM đã đề cập đến nhiều vấn đề như thiếu dữ trữ thuốc hiếm, chính sách phát triển ngành dược trong nước, hay câu chuyện về quảng cáo thuốc...

Thực hiện cơ chế dự trữ thuốc hiếm

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mỗi lần sửa là một lần khó, mỗi lần sửa là một lần tốn kém thời gian của các đại biểu, công sức, tiền bạc của đất nước. Cho nên cần tính đến tuổi thọ của các luật chứ không thể vài năm lại sửa một lần.

“Mục tiêu sửa luật cần hướng vào hai vấn đề. Thứ nhất là để phát triển công nghiệp dược; thứ hai là làm sao để khắc phục tình trạng kinh doanh, phân phối thuốc hiện đang “rất loạn”” – bà Lan nói.

 ĐB Phạm Khánh Phong Lan.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan.

Nữ đại biểu đoàn TP.HCM cũng đề cập đến những thuốc hiếm, “thuốc mồ côi”, những thuốc mà số lượng cần sử dụng rất ít nhưng nếu không có thì bệnh nhân sẽ chết. Tuy nhiên vì nhu cầu rất ít nên các công ty dược cũng không mặn mà trong việc làm thủ tục để nhập khẩu về Việt Nam.

Đơn cử như ngộ độc botulinum, nếu không có những liều thuốc hiếm đó thì bệnh nhân sẽ bị co giật, không cử động được và có thể dẫn đến tử vong…

Bà cho rằng hiện Việt Nam đã có cơ chế dữ trữ thuốc quốc gia, các bệnh viện trên toàn quốc có thể tính toán số lượng cần thiết của những loại thuốc đó rồi xuất quỹ quốc gia ra mua dự trữ và giao cho một đơn vị đó quản lý. “Để khi lỡ có những trường hợp đột xuất thì chúng ta có ngay thuốc để cứu chữa chứ hiện nay năm nào cũng nói là thiếu” – đại biểu Phong Lan nói.

Đồng tình với ý kiến của bà Phong Lan, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho hay trong ngành y có bệnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Phân tích thêm triệu chứng bệnh, ông nói lúc đó bệnh nhân sẽ lên một cơn nhịp nhanh nằm trên tầng nhĩ, khi bệnh nhân vào cơn nhịp nhanh là huyết áp tụt và có thể tử vong trong khoảng 15-30 phút.

“Trường hợp này chỉ cần có thuốc Adenosine tiêm là hết cơn ngay, giá ống thuốc cũng chỉ 2.000-3.000 đồng nhưng lại không có sẵn hàng” – bác sĩ Thức nói.

Từ đó, ông đề nghị bổ sung vào điều 3 dự thảo Luật Dược là “dự trữ thuốc hiếm hoặc "thuốc mồ côi" sử dụng trong cấp cứu bệnh nhân”, ví dụ như botinium hoặc kháng nọc độc rắn… “Chúng ta phải có cơ chế và khi dự trữ mà thuốc hết hạn thì hủy, đó là điều hoàn toàn bình thường chứ không phải lãng phí gì” – ông nhấn mạnh.

 Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Quảng cáo thuốc không đúng là hành vi gian dối

Ở một góc độ khác, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị cần có những chính sách cụ thể để phát triển ngành dược của Việt Nam, để người dân có thể tiếp cận được các loại thuốc tốt nhất. Đồng thời cần có quy định, chính sách cụ thể hơn trong nghiên cứu, phát triển các loại vaccine.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng nếu ngành dược của Việt Nam sản xuất được những loại thuốc tốt để người dân sử dụng thì rất tốt rồi. Tuy nhiên, ông đề nghị có cách thức để làm sao người dân được tiếp cận nhanh nhất với các loại thuốc tốt trên thế giới và giá cả hợp lý. “Chúng ta cần có cơ chế ủng hộ cho ngành sản xuất thuốc trong nước nhưng không có nghĩa là đóng cửa các loại thuốc từ bên ngoài” – ông Ngân khẳng định.

Đề cập đến vấn đề quảng cáo thuốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), cho rằng nếu quảng cáo đúng thì có lợi cho sức khỏe của nhân dân, còn không đúng thì rất có hại, thậm chí đó là hành vi gian dối với khách hàng, với người tiêu dùng.

Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị cần có một chương quy định về quảng cáo thuốc trong luật này để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người dân một cách tốt nhất.

Nêu ý kiến trước khi kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề cập đến cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp dược nhằm khai thác tối đa lợi thế ngành dược liệu trong nước.

Cụ thể là các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước để khai thác các lợi thế về dược liệu. Từ đó phát triển các loại thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn, nâng cao được giá trị của ngành dược liệu, vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Ông Mãi cũng đề nghị bổ sung thêm các cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đầu tư cho trồng, chế biến, thương mại… để phát triển ngành dược dựa trên lợi thế dược liệu của cả nước.

“Đây không chỉ là vấn đề chăm sóc sức khỏe mà đằng sau nó là vấn đề kinh tế dược, là sinh kế của những người tham gia vào sản xuất dược liệu” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Thuốc điều trị ung thư phải nhập khẩu, rất đắt tiền

Cũng quan tâm đến ngành công nghiệp dược trong nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết cần có cơ chế hỗ trợ công nghiệp dược, công nghiệp dược trong nước có tốt thì mới không phải nhập khẩu thuốc

Trong đó cần lưu ý quan tâm hơn đến phát triển các loại thuốc điều trị ung thư, thuốc đặc trị… Đây là những thuốc rất đắt tiền nhưng hầu hết là nhập từ nước ngoài, tạo gánh nặng về chi phí cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội nói Việt Nam đang có nhiều tiềm năng về nguồn dược liệu quý, do vậy cần có cơ chế, quy định cụ thể để phát huy tiềm năng này.

“Phòng bệnh là chính, mỗi gia đình cần có tủ thuốc hoặc vườn thuốc nam, khi bị bệnh nhẹ có thể điều trị tại chỗ, giảm tải cho tuyến huyện, tuyến tỉnh” – Chủ tịch Quốc hội phân tích và cho biết qua đại dịch COVID-19 mới thấy hầu hết các loại thuốc đều phải nhập từ nước ngoài.

“Từ thuốc ngừa đến điều trị, chúng ta hoàn toàn bị động” – ông Mẫn nói thêm.

Về quảng cáo thuốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ. Không để nội dung quảng cáo sai lệch thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dai-bieu-hien-ke-de-giai-quyet-viec-thieu-thuoc-hiem-quang-cao-thuoc-tran-lan-post796336.html