Đại biểu kiến nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Chiều 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) chia sẻ, tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua. Với nguyên tắc phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ, ngoài việc quy định thẩm tra, thẩm định thiết kế, đại biểu đề nghị bổ sung vào luật để ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu, khi có tình huống cháy xảy ra, công tác cứu nạn cứu hộ là phải nhanh chóng, hiệu quả. Người thực hiện nhiệm vụ phải thể hiện rõ sự dũng cảm, quyết đoán, trong môi trường nguy hiểm, rủi ro cao. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

“Cần quy định có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để thực hiện”, đại biểu Phạm Đình Thanh đề xuất.

Đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Công an, theo đó, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đảm ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn. Do đó, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất.

Với mục đích bổ sung đầy đủ quy định, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu đề nghị bổ sung các hành vi bị cấm. Cụ thể, nghiêm cấm người được giao nhiệm vụ, thẩm quyền không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, có hành vi tiếp tay, giúp sức cho việc xây dựng công trình xây dựng, sửa chữa nhà ở; cải tạo tiện giao thông không đảm bảo các điều kiện theo quy định của luật.

Đại biểu cho biết: “Thực tế nhiều địa phương có tình trạng cán bộ công chức được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng thẩm quyền xử lý sai phạm, thậm chí còn tiếp tay cho các vi phạm này. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhiều vụ tai nạn trong thời gian qua, trong đó có nhiều vụ xảy ra ở thành phố lớn mà cử tri cả nước vô cùng lo lắng”.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.

Tại khoản 2 Điều 36 về Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ quy định: “Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị tổn hao hoặc nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định của Luật này được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản 4 “Giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dụng tại khoản 2 Điều này”.

Đồng thời, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có quy định thống nhất đối với Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Điều 40, Điều 41 của dự thảo Luật với các quy định về lực lượng, thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành.

Về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành, tại khoản 3 Điều 42 quy định: “Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “khi có yêu cầu” vì tại khoản 11, 12, 13 Điều 3 của dự thảo Luật quy định: lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nên đương nhiên có trách nhiệm tham gia tại địa bàn phụ trách.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho biết, thực tế trong thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Và có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, cụ thể là việc đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Còn đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết, dự án Luật đã quy định cụ thể trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố tai nạn do thiên tai, thảm họa trên quy mô lớn, diện rộng trong các lĩnh vực về ngành đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không dân dụng, phòng thủ dân sự và môi trường…

Đại biểu cho rằng, hoạt động cứu nạn cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố thông thường như cháy, nổ, đổ nhà, sạt lở đất, đuối nước… thì hiện nay lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đang áp dụng các biện pháp cứu nạn cứu hộ nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật. Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần quy định các nội dung về: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần quy định các nội dung về: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, trong giải thích từ ngữ có quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn nhưng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố gây nguy hiểm theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn. Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ. Do đó, luật nên chia ra 5 phần chính gồm: Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Luật sẽ bổ sung giải thích từ ngữ về thoát nạn và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.

Theo đại biểu, luật cũng cần có một chương riêng quy định về thoát nạn; chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.

Về trách nhiệm chữa cháy quy định tại Điều 24, đại biểu cho biết điểm c khoản 1 điều này quy định: cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi sẽ cháy để phục vụ chữa cháy.

Đại biểu cho rằng, ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc ba lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả ba lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích cho nhiều nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Điều 24 quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi sẽ cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn…

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền nhận thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm quản lý của nhà nước và cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì đề nghị quy định trực tiếp vào luật; hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng. Đại biểu đưa dẫn chứng, tại Chương 7 có 9 điều thì có đến 8 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; 25 điều/63 điều giao Chính phủ và Bộ Công an quy định là tương đối nhiều.

Về chính sách của nhà nước nước tại Điều 4, đại biểu cho rằng cần cụ thể, rõ ràng hơn trên từng lĩnh vực; quy định như dự thảo là quá chung chung, khó khả thi. Chính sách ban hành cho đối tượng nào thì phải có địa chỉ trên từng lĩnh vực có liên quan. Đại biểu cũng chỉ rõ, quy định tại khoản 3 Điều 4 về “tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cộng đồng”… là chưa cụ thể.

Do đó, đại biểu đề nghị thiết kế lại từng chính sách, có ưu tiên lĩnh vực cần phải trang bị đầu tư cho rõ ràng, đảm bảo khâu tổ chức thực hiện.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-bieu-kien-nghi-lam-ro-hon-dieu-kien-bao-dam-an-toan-phong-chay-doi-voi-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-20240627164638738.htm