Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 6-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hai vấn đề:
Một là: Thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đến nay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém chưa đạt tiến độ đề ra, đề nghị làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ việc xử lý các tổ chức tín dụng, qua đó đảm bảo an toàn hệ thống?
Hai là: Kết quả thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân cũng như giải pháp thực hiện trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Đây là Nghị định được ban hành sớm nhất trong số các nghị định triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn và trong quá trình thực hiện cũng đã ban hành các thông tư sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tiễn. Kết quả, đến nay việc giải ngân đã được triển khai đúng quy chế, số dư nợ cho vay các chính sách theo chương trình này đạt 1.996 tỷ đồng, với hơn 40.000 khách hàng còn dư nợ.
Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy khó khăn nhất để triển khai giải ngân chương trình này là phê duyệt các danh sách thuộc đối tượng được hưởng chương trình. Về vấn đề này, Ngân hàng nhà nước cũng rất mong các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm ban hành danh sách, trên cơ sở đó để ngân hàng chính sách sẽ xã hội sẽ thực hiện giải ngân.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu đề xuất sửa đổi chương trình, trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, cũng như kiến nghị của các địa phương.
Về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan.