Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung: Chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước ngọt gây béo phì

Tại phiên thảo luận ngày 09/5, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng chưa nên vội vàng đánh thuế nước ngọt vì thiếu chứng cứ khoa học rõ ràng.

Cần đánh giá tác động đa chiều trước khi áp thuế nước giải khát có đường

Tại phiên thảo luận sáng 09/5 (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV) về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình), cho rằng việc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng hơn.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, việc áp thuế có thể tăng thu ngân sách và định hướng tiêu dùng lành mạnh nhưng cũng đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh quy trình và quy mô, kéo theo ảnh hưởng đến năng suất, lao động và chi phí đầu vào. Trong khi đó, người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ là nhóm chịu thiệt thòi lớn nhất vì thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình). Ảnh: VPQH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình). Ảnh: VPQH

Đáng chú ý, Đại biểu Dung phản bác quan điểm cho rằng nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây béo phì. “Hiện chưa có cơ sở khoa học vững chắc để quy kết nước ngọt là thủ phạm duy nhất dẫn đến thừa cân”, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nói. Bà Dung cũng dẫn nghiên cứu năm 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy, học sinh khu vực thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn nhưng lại tiêu thụ nước ngọt ít hơn học sinh nông thôn.

Bà cảnh báo, nếu chỉ tập trung đánh thuế nước ngọt, người dân có thể chuyển sang các loại đồ uống không kiểm soát như trà sữa, nước ép đường phố hay cà phê pha sẵn, vốn không thuộc diện chịu thuế nhưng lại chứa lượng đường cao và kém an toàn.

Trong khi đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nhiều loại nước khác như: Trà sữa, quán nước ngoài đường, đồ ăn nhanh, bánh kẹo… cũng có thể là những sản phẩm gây nên bệnh béo phì. Chính vì vậy, ông đề xuất đưa mặt hàng trà sữa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: VPQH

Phải tính toán lộ trình, tránh gây sốc cho doanh nghiệp

Cuối phiên thảo luận sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có phần giải trình làm rõ thêm về các nội dung được đại biểu quan tâm liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo đã tiếp nhận hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng việc áp thuế hiện nay là cần thiết vì lượng tiêu thụ đường trong nước hiện đã chiếm tới 46,5% lượng đường tự do, phần lớn đến từ nước giải khát có đường. Đây được xem là nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì và thừa cân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH

Bộ trưởng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nên áp thuế tối thiểu 20% với loại đồ uống này. Theo thống kê, đã có 107 quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt. Trong khu vực ASEAN, hiện có 7/11 quốc gia đã áp dụng thuế này.

“Từ thực tiễn của thế giới và tình hình ở Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng cần đánh thuế sớm hơn. Không thể đợi đến khi con em chúng ta béo phì rồi mới ngồi bàn chính sách”, Bộ trưởng Thắng nói.

Tuy nhiên, để tránh gây sốc cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến và đề xuất lộ trình giãn áp thuế. Theo đó, mức thuế 8% sẽ áp dụng từ năm 2027 và nâng lên 10% vào năm 2028. Đồng thời, sẽ rà soát các mặt hàng cụ thể để phân nhóm áp thuế theo từng giai đoạn, nhằm vừa đảm bảo mục tiêu sức khỏe, vừa giảm áp lực cho doanh nghiệp sản xuất và thị trường tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết WHO đã có báo cáo riêng gửi Việt Nam cảnh báo rằng mức tiêu thụ nước ngọt đang tăng nhanh và đặt quốc gia vào nhóm nguy cơ béo phì đáng lo ngại. Theo Tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, sản phẩm này bao gồm nước pha sẵn để uống có thể chứa đường, phụ gia, hương liệu, có thể bổ sung vitamin và khoáng chất.

Theo khái niệm này, một số sản phẩm sẽ không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao.

“Những sản phẩm như nước dừa mà các đại biểu quan tâm sẽ không bị đánh thuế”, Bộ trưởng Thắng khẳng định.

Tranh luận chưa ngã ngũ về chính sách đánh thuế nước giải khát có đường:

Nhiều đại biểu như Lê Hoàng Anh (Gia Lai), Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ), Trần Hồng Hà (Đồng Nai) bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ chính sách áp thuế, cho rằng đây là cách duy nhất để ngăn chặn bệnh không lây nhiễm và định hướng lại hành vi tiêu dùng. Trong khi đó, một số đại biểu khác như Nguyễn Thị Thu Dung lại cho rằng cần căn cứ vào bằng chứng khoa học rõ ràng và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tránh chính sách phản tác dụng và gây hiểu nhầm trong xã hội.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-nguyen-thi-thu-dung-chua-du-co-so-khoa-hoc-de-quy-ket-nuoc-ngot-gay-beo-phi-386805.html