Đại biểu Quốc hội: Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt.

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) và nhiều ĐB đã đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Nhờ đó, kinh tế - xã hội phát triển, ngân sách nhà nước đã có nhiều cải thiện, đặc biệt là các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới.

ĐB Nguyễn Hữu Thông ghi nhận, trong bối cảnh hết sức khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt, được cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

ĐB Nguyễn Trúc Sơn đánh giá, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều “điểm sáng” trong những tháng đầu năm 2024. Theo ĐB, qua nghiên cứu các báo cáo và tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều “điểm sáng”, nhất là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án công trình trọng điểm quốc gia.

Qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ĐB Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các giải pháp đưa ra đều rất toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực với nhiều điểm mới. ĐB bày tỏ tin tưởng, nếu chúng ta làm được các giải pháp này thì tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ về đích trong năm 2024.

ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực.

“Tuy có nhiều khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025” - ĐB Tạ Thị Yên nói.

ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đánh giá, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, thu ngân sách vượt dự toán, tập trung thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế, tái cấu trúc nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn kinh tế nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu tiếp tục tăng, lạm phát được kiểm soát…

Đại biểu lo lắng “sức khỏe” doanh nghiệp

Cùng với các kết quả đạt được, các ĐBQH quan tâm và nêu những kiến nghị, giải pháp về những “bất ổn” của nền kinh tế. ĐB lo lắng khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa nghiêm…

Các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH nêu.

Các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH nêu.

ĐB Nguyễn Hữu Thông nêu những số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng và cho rằng, đây là thực tế đáng suy ngẫm. Theo ĐB, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà.

Từ đó, ĐB nêu kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…

Theo ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

ĐB Nguyễn Văn Thi đánh giá, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Về 3 trụ cột tăng trưởng (đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu), có ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, bộ, ngành.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp. Ngoài ra, cần làm rõ những xu hướng, rào cản trong mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ phân tích đánh giá kỹ lưỡng hơn về tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ kênh trái phiếu chính phủ…

Để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày…, phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm sóat

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.

Theo ĐB, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch Covid-19, do đó cần phải có những giải pháp tương thích. Kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Do đó, ĐB cho rằng, phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-buc-tranh-kinh-te-nhieu-diem-sang-151807.html