Đại biểu Quốc hội chất vấn giải pháp cứu những 'dòng sông chết'

Nhiều dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nhưng chưa có biện pháp xử lý là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng thừa nhận có nhiều dòng sông chết, ô nhiễm nặng

Sáng ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu chất vấn là vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng của các dòng sông hiện nay. Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phản ánh thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành các "dòng sông chết".

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ TN&MT trong việc hồi sinh các "dòng sông chết", trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải", bà Nga đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận, hiện nay có nhiều "dòng sông chết", trong đó có nhiều con sông ô nhiễm nặng nề, như Bắc Hưng Hải. Trước thực trạng này, những năm qua, Bộ TN&MT và các địa phương cũng đã nỗ lực đưa ra giải pháp nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu. Hiện nay, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề vẫn xả thải ra các dòng sông, nhưng chưa giải quyết được, vì chưa có nguồn lực. Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, tới đây sẽ kiến nghị thành lập Ủy ban điều hành các dòng sông để tạo dòng chảy, khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phản ánh thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phản ánh thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn về ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, Bộ TN&MT có giải pháp gì để khắc phục?

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy những năm gần đây chưa được cải thiện. Hiện trên các sông này, nguồn thải ở Hà Nội chiếm 65%. Trên toàn tuyến sông có 1982 nguồn xả thải, 1662 nguồn thải của cơ sở sản xuất kinh doanh, 39 nguồn thải từ các khu công nghiệp cụm công nghiệp.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tới đây Bộ TN&MT sẽ đánh giá sức chịu tải của các dòng sông. "Hiện Bộ đã đánh giá được 11 dòng sông. Bộ TN&MT tới đây sẽ trao đổi với các địa phương để đánh giá sức chịu tải của từng dòng sông để có kế hoạch cấp phép xả thải phù hợp", Bộ trưởng Khánh thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề xử lý các dòng sông chết, giải pháp bền vững nhất là tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thời gian tới cần đầu tư quan tâm thu gom xử lý nước thải đồng bộ hơn.

Sẽ có đề án phục hồi nguồn nước ô nhiễm, suy thoái

Bộ TN&MT đánh giá, ô nhiễm nguồn nước gia tăng. Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước (lưu vực sông Nhuệ - Đáy, cầu và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải…).

Tùy theo khu vực, vùng miền, tỉ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau, song lượng nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, làng nghề và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh. Trên cả nước hiện có 82 nhà máy/trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế là 1.466.000 m3/ngày đêm.

Tỉ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý đạt khoảng 17%; có 274/297 khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung (đạt tỉ lệ 92,3%); 214/706 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động (đạt tỉ lệ 30,3%). Đối với các khu công nghiệp còn lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 4/6.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 4/6.

"Bộ TN&MT sẽ xây dựng trình Thủ tướng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm "sống lại" các dòng sông", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.

Bộ TN&MT kiến nghị Quốc hội xem xét bảo đảm mức chi cho bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư nguồn lực cho các tỉnh, thành phố xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, trước mắt tập trung cho giai đoạn 2025 - 2030.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-giai-phap-cuu-nhung-dong-song-chet-16924060411164306.htm