Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề định giá, thu hồi đất
Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo Luật đưa ra tại kỳ họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề định giá đất, thu hồi đất và tái định cư…
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) quan tâm đến quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gia, công cộng... Đặc biệt là Khoản 32 Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ Khoản 1 đến Khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật lần này đã đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định thì báo cáo với Quốc hội. Theo đại biểu, quy định này đã khắc phục được tình trạng quy định chung chung và không rõ ràng như dự Luật trước đây.
Còn Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) góp ý về điều kiện về khu tái định cư. Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho biết dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục... phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền… Đại biểu cho rằng, với những quỹ đất hiện nay, thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.
Về tài sản gắn liền với đất thuê Khoản 2 Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước.
Về nội dung này, Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, cần xác định các nguyên tắc nhất quán trong bồi thường, tái định cư, thu hồi đất thực hiện dự án và quán triệt nguyên tắc nhất là quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích hỗ trợ tài chính, lãi suất, miễn giảm thuế có thời hạn, cấp quyền sử dụng đặc biệt nếu như mảnh đất có thể sử dụng vào những việc phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Nhấn mạnh đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần hết sức cẩn trọng khi xem xét thông qua.
Trong khi đó, theo Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật. Qua nghiên cứu dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này, còn nhiều nội dung có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đại biểu đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của Luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Đại biểu nêu rõ, Khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, xong trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nên cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh cũng đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương.