Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu ngay năm nay
Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng thời gian gần đây, các đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ tìm cách bình ổn giá xăng dầu và đưa ra nhiều đề nghị về việc điều hành mặt hàng này.
Những yêu cầu này được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội vào ngày 1 và 2-6.
Ảnh minh họa: Lê Vũ
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho hay việc giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh; làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.
Đại biểu cho rằng việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.
Theo ông Bùi Mạnh Khoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, để bảo đảm linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, kiềm chế lạm phát, ông đề nghị ngay tại kỳ họp này Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.
“Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với giá dầu thô tăng, mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này”, ông Khoa nói.
Bà Nguyễn Thị Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm… tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%, riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm”, bà Yến nói.
Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu. Điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và ba chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ.
Vân Ly