Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu
Thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Góp ý với dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh bày tỏ thống nhất với chủ trương luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tháo gỡ được một số vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết này. Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, khi các quy định này được ban hành thì việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã có nhiều tiến bộ, tiến triển tích cực, đảm bảo được phần nào quyền lợi của các bên, thúc đẩy sự chủ động, thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, các quy định về xử lý nợ xấu đã giảm thiểu được tình trạng cố tình chây ỳ không hợp tác của khách hàng.
Cũng theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, nợ xấu của các ngân hàng không phải là vấn đề thời điểm mà là thường trực và gần như gắn liền với quá trình hoạt động của ngân hàng. Việc luật hóa các quy định về nợ xấu, về quyền thu giữ tài sản, về quyền ưu tiên thanh toán… sẽ là nền tảng quan trọng để xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, tạo nên một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Hiện dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong từng điều khoản tạo ra hành lang vững chắc cho chính các nhân sự tại cơ quan này khi hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi nợ.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cũng kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật hoặc các văn bản dưới luật về các vấn đề mà hiện nay dư luận rất quan tâm như quy định về pháp luật tố tụng phải được chỉnh sửa theo hướng rút gọn hơn thời gian xử lý các thủ tục hành chính đối với điều kiện khoanh nợ, khoản nợ đủ điều kiện thu giữ; đồng thời, đề xuất bỏ nội dung giới hạn là món nợ đang không bị tranh chấp được tòa án thụ lý để tránh trường hợp khách hàng lợi dụng quy định này tạo ra các tranh chấp giả dẫn đến trì hoãn và ngăn cản quá trình thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý.
Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chỉ rõ so với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã bỏ đi quy định về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn thư khiếu kiện các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý, bảo vệ tài sản khi thu giữ. Để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan cũng như việc thực hiện thượng tôn pháp luật của các chủ thể, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp với quy định.
Đồng tình với đề xuất của đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết thêm, theo báo cáo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42 đã nêu rõ Nghị quyết 42/2017/QH14 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Do đó, việc duy trì cơ chế chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế ngày 20/5/2022 cũng nêu: Cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể với nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi Nghị quyết có hiệu lực. Báo cáo cũng đã đưa ra số liệu thống kê là trong giai đoạn Nghị quyết 42 có hiệu lực, khả năng thu hồi nợ xấu tăng lên và ngoài ra tỷ trọng xử lý nợ xấu qua hình thức mà khách hàng tự trả nợ, tự nguyện trả nợ tăng từ 23% lên đến 38%. Như vậy, thực tiễn cho thấy, các giải pháp trong Nghị quyết 42 trong đó có biện pháp giao cho tổ chức tín dụng có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thu giữ tài sản để xử lý là biện pháp mạnh mẽ và cần thiết, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Phạm Đức Ấn phân tích thêm, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi cho tổ chức tín dụng mà để đảm bảo là quyền lợi chung, mang tính xã hội. Tính xã hội thể hiện ở chỗ khi thu đòi được nợ xấu là có tiền để cho vay những khách hàng khác có nhu cầu. Ngoài ra, nếu mà thu hồi được nợ xấu thì có nghĩa rằng là lợi nhuận của tổ chức tín dụng được tăng lên, khi đó sẽ có thể có cơ sở để tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các tổ chức khác, đơn vị khác. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 chưa có một trường hợp nào phản ánh tổ chức tín dụng lạm dụng quy định này và gây ra tác động về mặt xã hội. Do đó, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị dự thảo Luật nên giữ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm.