Đại biểu Quốc hội đề nghị không tăng thuế VAT đối với hoạt động văn hóa, thể thao

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang tính công cộng này.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý...

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng chịu thuế suất 0%, người nộp thuế, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, các mức thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng...

Công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã sử dụng công cụ thuế như một trong những chính sách quan trọng để đầu tư, hỗ trợ cho phát triển văn hóa.

Ở nước ta, qua nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu đã chỉ ra điểm nghẽn về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này là cơ hội rất tốt để chúng ta tháo gỡ một phần điểm nghẽn này, giúp tạo ra sự hấp dẫn, huy động được nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Bùi Hoài Sơn đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan soạn thảo trong việc có thêm một số ưu đãi về thuế đối với hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, đại biểu còn một số băn khoăn về một số vấn đề.

"Cụ thể, tại khoản 2 Điều 9 về đối tượng áp dụng mức thuế suất 5 %, tôi đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đối với nhóm nội dung là hoạt động văn hóa, triển lãm thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.", đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu, việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang tính công cộng này.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 9 về đối tượng áp dụng mức thuế suất 0%, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị bổ sung nội dung về dịch vụ văn hóa, giải trí, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan để sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bởi theo đại biểu, việc áp thuế suất 10% đối với dịch vụ văn hóa xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ quốc tế, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm văn hóa Việt Nam, bảo hộ ngược sản phẩm văn hóa nước ngoài.

Cùng với đó cũng tại khoản 1 Điều 9, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức nước ngoài, tổ chức Việt Nam cung cấp theo quy định của Chính phủ. Đại biểu nhấn mạnh, việc không có chính sách ưu đãi thuế đối với các đơn vị làm phim nước ngoài là chưa phù hợp...

Ngoài ra, tại khoản 12 Điều 5, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung không thuộc đối tượng áp dụng thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cơ sở văn hóa không vì lợi nhuận phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật sử dụng 100% từ nguồn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo theo quy định của Chính phủ.

Đối với điểm e, khoản 26 Điều 5 về đối tượng không chịu thuế với hàng hóa nhập khẩu có quy định miễn thuế cho di vật, cổ vật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật, đại biểu đề nghị áp dụng chung cho mọi đối tượng chứ không chỉ riêng cho các cơ quan Nhà nước, để khắc phục tình trạng như việc mua ấn Hoàng đế chi bảo và khuyến khích huy động nguồn lực xã hội trong việc hồi hương cổ vật.

Cuối cùng, tại điểm g khoản 2 Điều 14 về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đại biểu Bùi Hoài Sơn thì đề nghị bổ sung nội dung về khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho nhà ở, trạm y tế và công trình văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp và khu kinh tế.

Không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc phục vụ nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Về quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với phân bón, đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy dự thảo Luật lần này đã chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đánh giá tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến quy định máy móc, thiết bị chuyên dùng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là tác động đến việc đánh bắt thủy, hải sản xa bờ, tác động đến nông dân, ngư dân trong việc sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, vươn khơi bám biển.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đối với những băn khoăn trong việc đề xuất của Chính phủ chuyển các mặt hàng, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế suất sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, hiện nay, các mặt hàng nói trên không phải đối tượng chịu thuế giá trị tăng nên các doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của các loại sản phẩm trên.

Đại biểu cho rằng, nếu tăng thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm trên là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp, nếu áp dụng mức thuế 5% người chịu thuế này sẽ là người nông dân. Còn về phía doanh nghiệp, đại biểu cho rằng chính sách của nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập.

Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%.

Xuân Trường - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-khong-tang-thue-vat-doi-voi-hoat-dong-van-hoa-the-thao-2024062508442532.htm