Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Bố trí kinh phí, đảm bảo điều kiện làm việc cho tòa án các cấp

Tham gia thảo luận, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đảm bảo nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của hệ thống tòa án các cấp.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Sáng 27/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Tham gia thảo luận, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đảm bảo nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của hệ thống tòa án các cấp.

Nêu vấn đề, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu trích dẫn Nghị quyết số 96/2019/QH14, Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội quy định: “… Chính phủ có trách nhiệm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho tòa án nhân dân… thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ưu tiên bố trí kịp thời kinh phí để tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan tổ chức hiệu quả phiên tòa trực tuyến và các đề án đã được phê duyệt…”.

 Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu thảo luận.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất 9.033 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới các trụ sở nhưng bị cắt giảm còn 4.100 tỷ đồng nên chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu; thực tế kinh phí được Bộ Tài chính giao hằng năm để trang bị tài sản và bảo trì, sửa chữa trụ sở luôn ít hơn theo kế hoạch. Từ đó, việc thực hiện các đề án bị chậm trễ tiến độ, tài sản, trụ sở không được trang bị đồng bộ, sửa chữa kịp thời, gây nhiều khó khăn cho tòa án các cấp.

Đại biểu dẫn số liệu, từ đầu năm 2024 đến nay tăng 39.365 vụ so với cùng kỳ năm 2023, số lượng vụ việc tăng với tính chất phức tạp nhưng tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đảm bảo việc giải quyết nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ trong giải quyết, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, bức xúc trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh, thực tiễn đặt ra các cấp tòa án phải bố trí tối thiểu 1 phòng xét xử cho từng loại án và phòng xử án thân thiện cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, hệ thống tòa án nhân dân còn rất nhiều trụ sở được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, hiện có 595 trụ sởtòa án cấp huyện và 18 trụ sở tòa án cấp tỉnh… đang xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp và hầu hết chỉ có 1 phòng xét xử chung, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý của cán bộ, người dân và vị thế, hình ảnh cơ quan tư pháp.

Từ những phân tích đó, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 cho tòa án nhân dân tối cao trong nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2023 nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử, góp phần thể hiện vị trí, vai trò “trung tâm” của tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước đã tiếp thu, giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước giải trình.

Theo đó, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất của ngành tòa án, đồng thời cho biết, bộ sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT để rà soát nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm từng bước đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quang Đức - Trần Nhung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ha-tinh-bo-tri-kinh-phi-dam-bao-dieu-kien-lam-viec-cho-toa-an-cac-cap-post269129.html