Đại biểu Quốc hội kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm
Đại biểu Quốc hội kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai thuế minh bạch và thể chế hóa chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Chiều 15/5, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã góp ý sâu sắc vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị. Những ý kiến phát biểu không chỉ bám sát thực tiễn mà còn đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện khung thể chế cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

Toàn cảnh tổ 13 thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và một số dự án luật khác.
Đề nghị kéo dài miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Tại tổ 13, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, chính sách thuế hiện nay vẫn còn quá ngắn hạn và chưa đủ sức tạo đà phát triển cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp. Theo ông, quy định trong dự thảo Nghị quyết về miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo là quá ngắn, chưa phù hợp với chu kỳ phát triển đặc thù của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nhấn mạnh đến những khó khăn nội tại của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đại biểu phân tích rằng nhóm này thường phải đầu tư lớn và kéo dài cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ lõi, tuyển dụng và giữ chân nhân sự chất lượng cao. Trong suốt quá trình đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ kéo dài, thậm chí không có lãi trong 5 đến 7 năm đầu hoạt động.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh).
Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Như So, chính sách thuế cần mang tính đồng hành, hỗ trợ lâu dài, thay vì chỉ ưu đãi trong ngắn hạn. Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ giúp tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp dồn nguồn lực cho đầu tư và sáng tạo. Đây cũng là một phương thức thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước trong nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học đang làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Lực lượng này chính là những người trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ và sản phẩm đổi mới. Nếu không có chính sách đủ cạnh tranh, Việt Nam sẽ gặp khó trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Đại biểu dẫn ví dụ từ Thái Lan, nơi miễn thuế thu nhập cá nhân đến 10 năm cho chuyên gia trong 10 lĩnh vực công nghệ chiến lược, như một minh chứng sinh động về chính sách thu hút hiệu quả.
Hỗ trợ hộ kinh doanh
Liên quan đến hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề cập tới quy định không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/7/2026. Theo ông, chủ trương này giúp tăng tính công bằng, minh bạch trong quản lý thuế nhưng quá trình triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc nếu thiếu cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Đại biểu cảnh báo rằng việc yêu cầu các hộ kinh doanh tự kê khai thuế hàng tháng, lập sổ sách kế toán sẽ là một rào cản lớn đối với những đối tượng chưa có kỹ năng, kiến thức chuyên môn. Nếu không được hỗ trợ rõ ràng, minh bạch về quy trình, thủ tục, họ sẽ gặp khó khăn trong thực hiện và có thể dẫn đến tâm lý e ngại, né tránh nghĩa vụ thuế.
Để gỡ khó, ông đề xuất tăng cường hỗ trợ về công nghệ, đào tạo kỹ năng cơ bản về khai báo thuế cho hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện để kết nối dữ liệu, nâng cao hiệu quả giám sát và hỗ trợ kịp thời từ cơ quan thuế. Ông nhấn mạnh vai trò của các cơ chế tương tác hai chiều giữa cơ quan quản lý và người nộp thuế để đảm bảo việc chuyển đổi diễn ra hiệu quả, đúng quy định, hạn chế vướng mắc.
Làm rõ chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp yếu thế
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ông cho rằng, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung nghị quyết là cơ sở quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo không gian phát triển mạnh mẽ hơn cho khu vực tư nhân.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk).
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng một số quy định trong dự thảo nghị quyết còn chung chung, chưa đủ cụ thể để áp dụng vào thực tiễn. Đơn cử như tại Điều 11 về ưu đãi lựa chọn nhà thầu, nghị quyết đưa ra quy định "ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do người thuộc nhóm yếu thế làm chủ". Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm "người yếu thế" và chỉ nên ưu tiên cho những nhóm thực sự có khả năng tham gia hiệu quả, như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Lưu Văn Đức cũng kiến nghị Chính phủ làm rõ nội hàm của khái niệm "ưu tiên": cụ thể ưu tiên ở tiêu chí nào, thủ tục áp dụng ra sao, cơ chế thực hiện như thế nào để tránh tình trạng quy định chung chung, khó thi hành trong thực tế.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một số nội dung cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, khái niệm "doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" trong dự thảo còn chưa thống nhất với Nghị định số 94/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, việc sử dụng cụm từ "hoạt động kinh doanh" tại Điều 3, khoản 3 nên được thay thế bằng "hoạt động thương mại" để mở rộng phạm vi áp dụng phù hợp với thực tế.
Liên quan đến trách nhiệm thực hiện, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc xem xét trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong quá trình triển khai chính sách. Nếu không làm rõ, nghị quyết có thể tiếp tục gặp khó trong thực thi.
Sáng 15/5, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ 9.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và cấp bách.