Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy: Bộ GD&ĐT giải đáp về SGK chưa thỏa đáng
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có công văn trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) liên quan đến vấn đề lựa chọn sách giáo khoa, trách nhiệm của Bộ liên quan sai phạm của NXBGDVN... bà Thúy đã có văn bản trao đổi lại. Trong đó, bà Thúy cho rằng: những vấn đề đại biểu quốc hội chất vấn chưa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp thỏa đáng.
Trong văn bản phản hồi, bà Thúy cho biết, ngày 5/6 bà nhận Công văn số 2706/BGDĐT-GDTrH ngày 2/6 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về ý kiến phát biểu liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại phiên họp thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, những vấn đề đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ra: “chưa được giải đáp thỏa đáng hoặc là những vấn đề mới phát sinh mà việc giải trình và giải quyết thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Tiếc rằng, Công văn số 2706 của Bộ trưởng trả lời tôi lần này không đề cập đến những vấn đề chính yếu mà tôi đã đặt ra”. Bà Thúy đã nêu cụ thể những vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chưa giải đáp thỏa đáng gồm:
Thứ nhất là về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT đối với những sai phạm phải xử lý hình sự ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), bà Thúy cho rằng: "Công văn số 2706 dành tới 18 dòng để giải trình nhưng tuyệt nhiên không có câu nào cho biết cơ quan chủ quản (tức Bộ GD&ĐT) có trách nhiệm như thế nào trong việc “Bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát”.
Thứ 2 là về thái độ của Bộ và NXBGDVN đối với sai sót trong một số quyển SGK và khả năng thiếu SGK trong năm học sắp tới, bà Thúy cho rằng “Thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay, hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các Nhà xuất bản và Bộ GD&ĐT trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế”.
Trong ý kiến phát biểu ngày 1/6/2023, bà Thúy nêu 2 trường hợp làm ví dụ; Công văn số 2706 đã giải trình khá kĩ về 2 ví dụ minh họa mà bà nêu ra nhưng những giải trình đó của Bộ GD&ĐT không thuyết phục.
Không minh bạch lựa chọn SGK
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục, trong ý kiến phát biểu ngày 01/6/2023, bà đã nêu bất cập của Thông tư này là: “Trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển SGK được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy”.
Thế nhưng trong Công văn số 2706, Bộ trưởng có nêu một số việc làm của Bộ như gửi công văn nhắc nhở các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư số 25 và cử 08 Đoàn thanh tra về một số địa phương. Tuy nhiên, rất tiếc là Công văn vẫn chưa giải thích tính hợp lý của quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Thông tư nói trên: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học”.
Theo bà Thúy, quy định này sẽ dẫn đến 2 hệ quả sau đây:
Mâu thuẫn giữa các quy định trong Thông tư: Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 8, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu “Tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn SGK; cơ sở GDPT “tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 (một) SGK cho mỗi môn học”.
Tuy vậy, toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng SGK rất có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển SGK cho một môn học thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4.
Về đề nghị cung cấp thông tin để Bộ GD&ĐT xử lý theo quy định, bà Thúy cho rằng: “Địa chỉ cụ thể của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phản ánh với tôi tình trạng thiếu dân chủ, khách quan trong lựa chọn SGK, tôi xin được giữ để bảo vệ nguồn tin nhưng sẽ cung cấp cho cơ quan bảo vệ pháp luật khi cần thiết”.
Hệ quả trong thực tiễn: Theo một số ý kiến của công luận, hiện nay, do có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi (NXB đầu tư cho Sở GDĐT để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỉ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua SGK; chỉ đạo các Công ty phát hành SGK ở địa phương không được phát hành SGK các NXB khác,…).
Điều này lẽ ra Bộ GD&ĐT cần lường trước vì không hề khó đoán. Quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho Hội đồng lựa chọn SGK đã tạo điều kiện cho thành viên HĐ chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín. Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh.
Khi tình trạng lựa chọn SGK thiếu khách quan diễn ra tràn lan thì việc lựa chọn SGK lại quay về cơ chế chỉ có một bộ SGK cho một môn học ở địa phương, tức là triệt tiêu chủ trương “một chương trình – nhiều SGK” của Đảng và Nhà nước.
Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương “Một chương trình - nhiều SGK”, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK.
Hội đồng lựa chọn SGK chỉ kiểm tra để xác nhận SGK được cơ sở GDPT lựa chọn là SGK đã được Bộ phê duyệt cho sử dụng, báo cáo UBND tỉnh quyết định. Trong trường hợp SGK được dưới 10% cơ sở GDPT lựa chọn, hội đồng khuyến nghị Sở GDĐT thông báo cho các cơ sở GDPT đó biết tỉ lệ lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT khác trong toàn tỉnh (thành phố) để cơ sở nghiên cứu, lựa chọn lại, nếu cần.
Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8. Trong trường hợp cơ sở GDPT vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì hội đồng lựa chọn SGK báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền dân chủ của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK.
Bộ GD&ĐT cũng cần bổ sung vào Thông tư 25 các quy định về yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK; cách xử lý ý kiến khác nhau giữa đề xuất của cơ sở GDPT và hội đồng lựa chọn SGK địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để việc lựa chọn SGK ở địa phương có định hướng và cơ chế lựa chọn đúng đắn, đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên Hội đồng lựa chọn SGK (về năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức) và quy chế hoạt động của hội đồng; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực.
Trước đó, sáng 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã cảnh báo, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong chọn sách giáo khoa "rồi có ngày hối không kịp, sẽ có những vụ "Việt Á" trong giáo dục. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản trao đổi lại ý kiến của đại biểu Kim Thúy.
>>> Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời về sai phạm ở NXB Giáo dục Việt Nam và trách nhiệm Bộ GD&ĐT