Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Bớt thời gian dành cho thế giới ảo để sống thật với gia đình mình hơn
Mỗi cá nhân có thể bớt thời gian và tâm sức dành cho thế giới ảo để sống thêm với với gia đình thật của mình. Chúng ta đừng chỉ nỗ lực cho con một cuộc sống vật chất đủ đầy, mà hãy quan tâm hơn đến việc cho con một đời sống tinh thần đẹp đẽ.
Nói về gia đình, tôi rất thích hình ảnh "gia đình là tế bào của xã hội". Mỗi tế bào có khỏe mạnh thì chúng ta mới có một cơ thể khỏe mạnh. Mỗi gia đình hạnh phúc, bền chặt, tiến bộ và văn minh, chúng ta mới có một xã hội hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Nhưng trong thời đại 4.0 hiện nay, gia đình cũng bị đặt trước rất nhiều thử thách.
So với thời kỳ phong kiến trước đây, mỗi gia đình Việt Nam có sự đổi mới, khác biệt thật nhiều. Quy mô gia đình nhỏ hơn. Trước kia, chúng ta thường có gia đình liên thế hệ, tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường. Các bậc ông bà trở về trước thường sinh nhiều con, nên gia đình nào cũng đông đúc. Giờ đây, mỗi gia đình có số con ít hơn, lại ít sống chung các thế hệ với nhau. Nhưng cái khác đáng kể không phải là quy mô hay kinh tế gia đình mà chính là văn hóa gia đình.
Tôi không cổ vũ một cách cực đoan cho cái cũ, nhưng thực sự vẫn tiếc nuối những văn hóa gia đình xưa cũ mà đến nay đã mai một ít nhiều. Sự gắn bó bền chặt giữa các thành viên trong gia đình của thời xưa đã tạo nên những sợi dây máu thịt thiêng liêng, chắc chắn theo mỗi con người suốt cả cuộc đời. Những tôn ti trật tự gia đình có phần hơi khắc nghiệt của thời xưa, gạt bỏ đi phần độc đoán, lại là nề nếp rất vững bền để duy trì một nền tảng gia đình thuận hòa.
Đương nhiên khi xã hội thay đổi, nhận thức của con người thay đổi, không thể đòi hỏi cứ duy trì mãi những điều đã cũ. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, với sự hối hả của nhịp sống hiện đại, với sự lên ngôi của cái tôi cá nhân, với rất nhiều lý lẽ về việc tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người, mà dần dần đã xuất hiện sự lỏng lẻo trong quan hệ của các thành viên trong gia đình. Khi thời gian dành cho công việc nhiều lên, thì thời gian dành cho gia đình lại ít đi. Cũng từ đó, xuất hiện nhiều khoảng cách vô hình giữa các thành viên trong gia đình.
Tôi cứ day dứt mãi với những con số thống kê xót xa của Bộ Công an về những vụ trọng án hàng năm, trong đó có rất nhiều vụ án người thân trong gia đình gây án với nhau. Rồi số liệu về các cuộc ly hôn cứ tăng dần từng năm, độ tuổi ly hôn càng ngày càng trẻ hóa. Có những cặp đôi kết hôn chỉ một thời gian ngắn đã ly hôn. Có vẻ như gia đình đang bị đặt trước rất nhiều thách thức.
Trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội XV vừa diễn ra, khi thảo luận về Luật gia đình sửa đổi, tôi đã rất trăn trở trước báo cáo thống kê về số vụ bạo lực gia đình ngày một tăng, số phụ nữ bị bạo hành bởi chồng ngày một nhiều. Điều này nói lên một sự thực đáng buồn là văn hóa gia đình đang có những vấn đề rất đáng báo động, đang đi ngược lại với xu thế văn minh, tiến bộ.
"Thời hiện đại, chúng ta đã có rất nhiều các lớp dạy kỹ năng sống được mở ra, rất nhiều các khóa bồi dưỡng tiền hôn nhân, nhưng tại sao số vụ ly hôn vẫn ngày một tăng, tại sao vẫn nhiều gia đình sống không hạnh phúc, tại sao nhiều phụ nữ vẫn là nạn nhân của thói bạo hành?".
Còn một hiện tượng đáng buồn đang diễn ra trong hiện tại là mấy năm gần đây số vụ tự tử ngày một tăng. Điều tôi chú ý là có rất nhiều vụ tự tử khi diễn ra rồi, ngay cả những người thân nhất của nạn nhân như cha mẹ, vợ, chồng... vẫn không hiểu tại sao, nguyên nhân nào đẩy nạn nhân đến bước đường cùng để họ phải tìm đến cái chết.
Không ai tự tìm đến cái chết khi cuộc sống của họ vẫn yên ổn. Nhưng thật đáng sợ là cả khi bị đẩy đến bước đường cùng mà người thân cũng không hay biết. Tại sao con người dù tuyệt vọng cùng cực vẫn không tìm sự trợ giúp của người thân trong gia đình? Phải chăng, mối quan hệ gia đình đã trở nên lỏng lẻo, thậm chí vô nghĩa?
Vậy làm thế nào để duy trì và gìn giữ nếp văn hóa trong mỗi gia đình? Câu trả lời thật không dễ. Nhưng văn hóa gia đình, theo tôi là hạt nhân, là cốt lõi cho văn hóa xã hội nói chung. Gia đình là nơi vun đắp mọi mối quan hệ, là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người.
Vậy thì mỗi thành viên trong gia đình phải luôn có ý thức chăm lo cho mối quan hệ gia đình thêm bền chặt. Nhiều khi con người chỉ mải lo làm đẹp lòng thiên hạ, mà quên mất việc phải làm cho chính những người thân trong gia đình cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ mới là điều quan trọng nhất. Sự yêu thương gắn kết không bao giờ chỉ là một phía.
Tôi từng chứng kiến có những gia đình cha mẹ hết lòng chăm lo cho con, nhưng con cái lớn lên lại trở thành những con người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, không quan tâm đến bố mẹ, ông bà; chỉ biết đòi hỏi mà không biết nhường nhịn, hy sinh. Đó là do bố mẹ chỉ quan tâm đáp ứng những nhu cầu vật chất của con cái mà chưa coi trọng giáo dục ý thức sống cho con.
Cho nên, giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng. Đó là nền tảng cho mọi giáo dục khác trong cuộc sống. Mỗi người con trong gia đình khi trưởng thành sẽ tách ra tạo lập một gia đình mới. Nếu như được giáo dục chu đáo từ nền tảng gia đình thì gia đình mới đó sẽ tiếp tục vững bền và đẹp đẽ.
Tôi không nghĩ trong giáo dục văn hóa gia đình, trong trách nhiệm xây dựng một gia đình văn minh và hạnh phúc thì vai trò của phụ nữ hay đàn ông là quan trọng hơn. Thực sự, cả hai đều có vai trò quan trọng như nhau. Cha mẹ và con cái trong gia đình như cái kiềng ba chân, không thể nói cái chân kiềng nào là trụ chính. Bởi vậy, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm vun đắp cho hạnh phúc gia đình, cho văn hóa gia đình, trong đó sự yêu thương chân thành, sự tin tưởng, thấu hiểu và sẻ chia luôn là nòng cốt.
Thời hiện đại, chúng ta đã có rất nhiều các lớp dạy kỹ năng sống được mở ra, rất nhiều các khóa bồi dưỡng tiền hôn nhân, nhưng tại sao số vụ ly hôn vẫn ngày một tăng, tại sao vẫn nhiều gia đình sống không hạnh phúc, tại sao nhiều phụ nữ vẫn là nạn nhân của thói bạo hành?
Đó là điều tôi luôn trăn trở. Tôi muốn mỗi cá nhân có thể bớt thời gian và tâm sức dành cho thế giới ảo để sống thêm với gia đình thật của mình. Mỗi cá nhân hãy lắng nghe người thân của mình nhiều hơn và hãy nói với người thân của mình nhiều hơn.
Và hơn hết, hãy dạy cho con trẻ biết yêu thương và thấu hiểu, biết sẻ chia và đồng cảm ngay từ khi chúng vẫn còn tinh khôi như những tờ giấy trắng. Chúng ta đừng chỉ quan tâm đến việc nỗ lực cho con một cuộc sống vật chất đủ đầy, mà hãy quan tâm hơn đến việc cho con có một đời sống tinh thần đẹp đẽ, phong phú, thiện lương.