Đại biểu Quốc hội: Quy định chồng chéo, liệu cán bộ có dám nhắm mắt làm?

Đại biểu Lò Thị Luyến nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc là do hệ thống pháp luật còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo và liệu cán bộ có dám nhắm mắt làm?

Luật mâu thuẫn gây khó cho cán bộ

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tổ và một trong những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập là khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc là do hệ thống pháp luật còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất.

Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn đại biểu Điện Biên).

Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn đại biểu Điện Biên).

Vì các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức có mối tương quan chặt chẽ với nhau nên hiển nhiên đa số cán bộ công chức phải giữ sự an toàn cho mình trước tiên, không dám quyết, không dám làm, không dám tham mưu khi nhận thức rõ hậu quả rủi ro về mặt pháp lý từ tình trạng trên.

"Khi quy định chưa rõ, cán bộ liều, quyết làm và nếu có sự việc xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc thì chỉ có áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ. Vậy liệu có ai dám nhắm mắt làm?", đại biểu Luyến đặt vấn đề.

Từ góc nhìn của đại biểu công tác địa phương, bà dẫn ví dụ tại Điện Biên cho biết, thực tế tại tỉnh cũng có nhiều vấn đề bất cập trong triển khai, việc áp dụng pháp luật còn có những vướng mắc.

"Các cơ quan chức năng của địa phương và đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhiều lần phản ánh, đề đạt ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ, các bộ nhưng còn một số vấn đề thực tế rất vướng mắc mà chưa được quan tâm giải quyết khiến địa phương không dám làm vì nhận thức rõ hậu quả về mặt pháp lý nếu khi có sự kiện xảy ra", bà Luyến nói.

Điển hình, giữa nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật Bảo vệ môi trường có sự xung đột nhau.

Theo Nghị định 08/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thủy điện có công suất từ 20MW trở lên. Còn UBND tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các công trình thủy điện thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Như vậy, xét theo quy định tại Nghị định 02/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền đánh giá tác động môi trường đối với các công trình thủy điện có công suất dưới 2MW. Còn hiện không có cơ quan nào được giao thẩm quyền đánh giá tác động môi trường đối với thủy điện có công suất từ 2MW đến dưới 20MW.

Địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được tiếp thu, chưa được quan tâm giải quyết dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và khó khăn cho doanh nghiệp. Địa phương kiến nghị lên Trung ương để sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập này nhưng Trung ương trả lời là phân cấp cho địa phương và thuộc thẩm quyền của địa phương.

"Như ví dụ này, không thể nói địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ được", bà Luyến nhìn nhận.

Cần có báo cáo cụ thể về tình trạng cán bộ sợ sai

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng qua báo cáo của Chính phủ, có thể thấy thực tế hiện nay còn một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, có tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Trong báo cáo Chính phủ, đến hết năm 2023, đã có gần 18 nghìn cán bộ bị kỷ luật nhưng theo đại biểu Ba cần nêu cụ thể sâu hơn, bóc tách các nhóm vi phạm đặc biệt là những vi phạm luật công chức, đạo đức công vụ có biểu hiện trốn tránh nhiệm vụ, thoái thác, tự ý bỏ vị trí công việc.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn tỉnh Bình Định).

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn tỉnh Bình Định).

"Cán bộ phải biết sợ sai để không làm sai nhưng không thể sợ trách nhiệm, sợ việc mình phải thực hiện", ông Ba nói và đề nghị Chính phủ phải có báo cáo hàng năm, đánh giá cụ thể, có định lượng, không chung chung để xử lý nghiêm triệt để mới có thể tạo chuyển biến.

Đặc biệt, đại biểu Ba nhấn mạnh cơ quan nào có nhiều công chức trốn tránh thoái thác trách nhiệm thì cần có biện pháp chấn chỉnh, nhất là xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Cán bộ đánh máy trong tổ thẩm định giá đất cũng bị điều tra

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho rằng nên phân loại các cán bộ mạnh dạn, có trách nhiệm và không vụ lợi trong Điều 219 của Bộ luật Hình sự để bảo vệ cán bộ.

Đại biểu đoàn Bình Thuận cho biết, đã có nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội trong đó có ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa Điều 219 của Bộ luật Hình sự về việc cần bổ sung những yếu tố không vụ lợi để phân loại trong quá trình xử lý.

"Nếu có tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, trong trường hợp làm việc có tính toán sai sót, không vụ lợi thì cần xem xét xử lý cho hợp lý. Điều này giúp cán bộ công chức thực sự mạnh dạn hơn, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh", ông Sỹ nói.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận).

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận).

Ông Sỹ dẫn chứng, trong vụ việc vừa khởi tố ở Bình Thuận, thì cách tính giá đất từ thất thoát hơn 3 nghìn tỷ xuống thất thoát còn hơn 600 tỷ.

"Trong Bình Thuận có những dự án rất lớn hàng nghìn héc ta, nếu chỉ cần tính lệch 100 nghìn đồng/m2 thì không biết bao nhiêu tiền. Mặc dù anh em không có tiêu cực, tham nhũng nhưng vướng mắc này khiến họ không dám làm", ông Sỹ thông tin.

Do đó, ông đề nghị khi áp dụng Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng dẫn cách tính giá đất dễ thực hiện, từ đó cán bộ trong cơ quan tham mưu công tác này thuận tiện hơn.

Theo ông Đặng Hồng Sỹ, trong thẩm định giá đất, công ty tư vấn đi khảo sát, thẩm định, còn Hội đồng chỉ thẩm định giá xem lại các bước làm có đúng quy định không.

Chẳng hạn, chủ tịch tỉnh là chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất không đi khảo sát số liệu đâu, chỉ căn cứ số liệu của đơn vị tư vấn nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra thì các thành phần trong Hội đồng thẩm định giá đất, thậm chí tổ giúp việc Hội đồng cũng bị xem xét điều tra, một số bị bắt giam - ông Sỹ nói.

Ông Sỹ lấy ví dụ tại Bình Thuận có hai vụ án, trong đó có những người chỉ đi họp một buổi và có chữ ký cũng bị điều tra.

"Cả những anh em trong tổ giúp việc cho Hội đồng, tổ này làm nhiệm vụ đánh máy, tài liệu thì bây giờ cũng diện đó (điều tra – PV). Vì vậy, nếu Luật Đất đai không có hướng dẫn kỹ về nội dung thẩm định giá đất thì sau này rất khó triển khai", ông Sỹ nói.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-quy-dinh-chong-cheo-lieu-can-bo-co-dam-nham-mat-lam-19224052311544479.htm